Cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy với giá chỉ bằng... một căn nhà phố cổ! - Hình 1

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). (Ảnh: PL TP.HCM)

Liệu có “quỹ đen” cổ phần hóa?

Nêu vấn đề, gắn trách nhiệm của một tư lệnh ngành đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dẫn hai trường hợp và mong Bộ trưởng “cho kiểm tra lại một cách hết sức nghiêm túc”.

ĐB Nhưỡng chỉ rõ: “Tại kỳ họp thứ ba, tôi đã có ý kiến với đồng chí Tổng Thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu lúc đó là phải xem xét lại vấn đề cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam, trong đó tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội, rất nhiều người bức xúc và người đứng đơn trực tiếp tố cáo nguyên là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cảng Hà Nội.

Nhưng vừa qua, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo, người ta rất bất bình, bởi cho rằng không có vấn đề gì xảy ra, thậm chí còn nói rằng không tiếp cận nổi các tài liệu về cổ phần hóa, quên cả nhà đầu tư chiến lược và thậm chí bây giờ tài sản không những hạ giá thấp mà còn một vấn đề nữa là để ra ngoài một khối tài sản khác không đưa vào cổ phần hóa, giống như loại quỹ đen của cổ phần hóa.

Trường hợp thứ hai, người mua doanh nghiệp, tổng công ty đó chính là người mua xí nghiệp Điện ảnh Việt Nam với giá bèo. Nhiều đại biểu hôm nay thắc mắc tại sao đi cổ phần hóa những công ty đang làm ăn tốt. Ví dụ như Vinamilk, hay tôi gặp cử tri trên Công ty cổ phần hàng hóa Nội Bài thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, người ta nói cổ phần hóa lúc nào đến họ cũng không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng, một công ty đang làm ăn cực tốt để đến bây giờ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được cổ phần hóa theo sự chỉ định này, hàng năm phải bỏ hàng trăm tỷ đồng ra để thuê lại.

Tôi không biết như thế nhà nước, nhân dân có được gì không, hiệu quả của 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa như thế nào?”.

Cuối phần thảo luận, ĐB Nhưỡng nhấn mạnh: “Tôi chính thức đề nghị và kiến nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại cổ phần hóa của hai doanh nghiệp này, cử tri rất mong muốn Thủ tướng trực tiếp có những chỉ đạo hết sức nghiêm túc”.

Tiếp cận duới con mắt nhà đầu tư

ĐB Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp chính là chúng ta chưa thu hút được nhiều cổ đông chiến lược vào quá trình cổ phần hóa, nhất là các nhà chiến lược đầu tư quốc tế.

 Tại sao lại chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, do có quy định về việc khống chế sở hữu cổ đông chiến lược nước ngoài tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp và giá bán cổ phần là chưa theo chuẩn của quốc tế, thiếu công khai, minh bạch, thiếu thông tin trong quá trình cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa phức tạp và phương thức bán cổ phần chưa linh hoạt.

ĐB Đức nêu một số kiến nghị, cổ phần hóa doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện triệt để hơn không chỉ về số lượng mà cần phải có sự thay đổi lớn cả về chất, tức là theo báo cáo trong số các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa từ giai đoạn 2011 - 2016 thì thực tế chỉ có khoảng 8% số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa chuyển giao cho khu vực tư nhân.

Điều này có nghĩa khu vực tư nhân tham gia vào bộ máy quản lý thiết kế chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa còn hạn chế, vì thế nên hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chậm cải thiện.

Hai là, để đạt mục tiêu hiệu quả cổ phần hóa nói chung và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược quốc tế, họ không chỉ mang lại nguồn tài chính mới mà còn mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đóng góp tích cho ngân sách nhà nước và sự phát triển của những ngành công nghiệp có liên quan.

Muốn đạt được điều này, Chính phủ cần có quy định rõ, công khai, minh bạch các thông tin cả về doanh nghiệp cổ phần hóa và cả tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để loại bỏ nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại giá trị tăng thực chất, phù hợp hoạt động doanh nghiệp. Chính phủ nên cân nhắc mở rộng lĩnh vực ngành nghề mà nhà đầu tư chiến lược nắm giữ, cổ phần chi phối trừ lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như quốc phòng an ninh.

Việc đánh giá doanh nghiệp cần tiến hành độc lập bởi các đơn vị có nhiều kinh nghiệm quốc tế và trong nước dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành kết hợp với thông lệ quốc tế. Giá bán cổ phần phải dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp thay vì dựa vào giá giao dịch trên thị trường chứng khoản bởi giá trị đó chỉ đại diện cho một lượng cổ phần giao dịch trên thị trường.

Cần tiếp cận cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dưới con mắt của nhà đầu tư và tuân theo cơ chế thị trường thay vì tiếp cận cách của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy doanh nghiệp cổ phần hóa mới được định giá đúng. Chỉ khi doanh nghiệp được định giá đúng mới hấp dẫn được cổ đông chiến lược.

Ba là phải lập được công thức phân chia tỷ lệ cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cho thế hệ người lao động có bội số là 5 năm làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước đó. Tỷ lệ cổ phần này không nên thấp hơn 25% và không quá 35% tổng cổ phần được phép để chia cho tổng suất 5 năm làm việc của người lao động từng làm việc trong doanh nghiệp. Số cổ phần còn lại bán trên thị trường tài chính thu tiền về để nhà nước dùng vào việc khác.

Dành một tỷ lệ từ 15 đến 25% hỗ trợ doanh nghiệp đó, tài cấu trúc sản xuất kinh doanh theo hướng chiến lược của nhà nước. Dành một tỷ lệ nhỏ hơn từ 10% đến 15% trợ giúp số cán bộ, nhân viên hiện hữu được đào tạo lại nhằm ổn định công việc ở doanh nghiệp hậu cổ phần hóa hoặc tự nguyện chuyển đi làm việc nơi khác. Phần còn lại chiếm 65% đến 75% chuyển về nhập vào ngân sách nhà nước chi theo Luật Ngân sách nhà nước.

Bốn là nếu cổ phần không bán hết thì tổng mệnh giá còn lại chính là vốn góp của nhà nước vẫn còn lại tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa. Số cổ phần này phải chuyển thành cổ phần ưu đãi để Nhà nước hưởng cổ tức cố định mà không cần cử người đại diện nằm tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa đó nữa. Cơ quan quản lý vốn nhà nước sẽ theo dõi tất cả vốn nhà nước còn lại ở mọi doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, nếu ở đó chưa bán hết cổ phần theo luật. Ngay khi doanh nghiệp làm ăn khấm khá nhà nước sẽ thoái vốn và nhanh chóng, thoái hết vốn đó khỏi doanh nghiệp để rút vốn về ngân sách nhà nước

Thái Bình