Tỷ lệ nợ xấu của STB sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024
CTCK Vietcap (VCI)
Trong báo cáo phân tích được cập nhật ngày 2/8/2024, Chứng khoán Vietcap đưa ra dự báo rằng, Sacombank sẽ ghi nhận khoản 2.000 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi từ việc bán các khoản nợ liên quan tới khu công nghiệp (KCN) Phong Phú trong nửa cuối năm 2024.
Trong quý II/2024, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác chỉ ở mức 34 tỷ đồng nên nhiều khả năng khoản thu này chưa được hạch toán trong nửa đầu năm.
Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt hơn 717.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 11%. Quy mô huy động và cho vay tăng trưởng tích cực, cao hơn mức bình quân ngành. Tổng huy động đạt gần 642.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, trong đó 80% tiền gửi từ khách hàng cá nhân.
Dư nợ tín dụng đạt gần 517.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, thị phần tăng 0,03%, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tối ưu cấu trúc nguồn vốn giúp tăng tính ổn định, giảm nhanh chi phí vốn, cải thiện NIM và tạo điều kiện tăng thu lãi thuần.
Trước đó, thông tin bán đấu giá 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú được đưa ra lần gần nhất là vào ngày 19/1/2023 từ Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group. Những khoản nợ này đều được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Đây là lần thứ 5 khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.
Còn theo thông tin từ Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Các khoản nợ phát sinh liên quan đến tài sản này đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2024 của Sacombank, số dư trái phiếu đặc biệt VAMC ròng (đã trừ phần trích lập dự phòng) là 623 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2023 trong khi mức dự phòng giảm giá cho trái phiếu này xấp xỉ con số cuối năm trước với 14.563 tỷ đồng.
Theo Vietcap, Sacombank đã gần như không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC phần nào giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong kỳ. Trong quý II/2024, chi phí dự phòng rủi ro Sacombank đã giảm 64,6%, xuống 465 tỷ đồng. Lũy kế, chi phí dự phòng nửa đầu năm nay giảm 50,7% xuống 1.143 tỷ đồng.
Cũng theo Vietcap, về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank lên mức 2,43% vào cuối quý II/2024 cao hơn kết quả cuối quý I/2024 và cuối năm 2023. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 1.564 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 5 (tăng 34%). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhóm 2 của Sacombank giảm, do đó Vietcap nhận định, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024.
Đến cuối tháng 6/2024, Sacombank đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,15%. Trong quý II/2024, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 5.342 tỷ đồng, tăng 12,3%. Các chuyên viên phân tích kỳ vọng kết quả trong nửa cuối năm sẽ tích cực hơn nhờ khoản thu từ KCN Phong Phú.
Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu TCM
CTCK DSC
Tình hình kết quả kinh doanh trong quý II/2024 của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM – sàn HOSE) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào hiệu ứng nền thấp cũng như lượng đơn hàng đang phục hồi tích cực. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TCM 6 tháng đầu năm 2024 vì vậy lần lượt đạt mức 1.781 tỷ (tăng 12%) và 135 tỷ đồng (tăng 136%) lần lượt hoàn thành 47% và 85% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2024.
Với việc ngành dệt may đang bước vào quá trình phục hồi kết hợp với việc mùa cao điểm đơn hàng thường diễn ra vào các quý cuối năm. DSC đánh giá triển vọng tăng trưởng của TCM trong năm nay là vô cùng tích cực.
DSC giữ nguyên dự phóng về doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TCM trong năm nay gần như tương tự như trong báo cáo kỳ trước khi lần lượt đạt mức 3.826 tỷ đồng (tăng 15%) và 204 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ). Chúng tôi dự phóng giá mục tiêu của TCM trong năm nay sẽ đạt mức 55.000 đồng.
Trong quý vừa rồi TCM đã tiến hành việc sát nhập nhà máy SY Vina với giá trị 468 tỷ đồng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhà máy SY Vina dự kiến sẽ mang lại khoảng 17 triệu USD doanh thu cho TCM trong năm nay và doanh thu sẽ bắt đầu được ghi nhận vào Q3. DSC nhận định việc sát nhập nhà máy dệt nhuộm mới này sẽ giúp cho TCM gia tăng nguồn vải tự cung cũng như tăng cường năng lực trong khâu dệt nhuộm từ đó hướng đến việc thực hiện các đơn hàng may mặc có giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó với việc vị trí nằm gần các nhà máy của TCM, SY Vina cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí logistic cũng như giúp gia tăng khả năng xử lý nước thải khi công suất xử lý nước thải tại đây lên đến 3.000m3/ngày, cao gấp đôi so với công suất của nhà máy Vĩnh Long (dự án TCM dự kiến thực hiện trước khi quyết định sáp nhập SY Vina với chi phí ước tính khoảng 50 triệu USD).
Tính đến thời điểm hiện tại TCM đã nhận được 90% và 86% đơn đặt hàng cho quý III và IV/2024. Mặc dù trong nửa đầu năm 2024 giá bán trung bình sản phẩm may mặc chưa có nhiều cải thiện tuy nhiên DSC cho rằng với việc nhu cầu tiêu thụ thường tăng mạnh vào cuối năm cũng như lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính dần suy giảm, giá đơn hàng dự kiến sẽ bắt đầu hồi phục từ đó giúp cho kết quả kinh doanh của TCM tiếp tục cải thiện.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG
CTCK SSI (SSI)
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu ở mức 31.400 đồng/cổ phiếu (sau khi điều chỉnh 10% cổ tức bằng cổ phiếu) và hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từ mua xuống khả quan sau đợt tăng giá gần đây.
Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực trong dài hạn đối với công ty do lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc quản lý chi phí - mặc dù việc tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong ngắn hạn và giá thép giảm có thể khiến giá cổ phiếu biến động mạnh hơn.
Hà Trần (t/h)