Công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam - Hình 1

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi (bìa trái) tại buổi họp báo

Thực hiện Điều 8 Luật báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, trên cơ sở các quy định của Luật báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, được áp dụng với tất cả người làm báo Việt Nam, bao gồm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ Nhà báo, người chưa được cấp Thẻ Nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí, cộng tác viên các cơ quan báo chí và người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung. Quy tắc này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi:

Người làm báo, khi tham gia cộng đồng mạng không chỉ là thành viên tham gia mạng xã hội mà còn là người dẫn dắt dư luận. Thời gian qua, một số nhà báo đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực.

Bộ quy tắc này đã cụ thể hóa Luật Báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, do đó mỗi nhà báo, hội viên sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Các cơ quan báo chí cũng có thêm công cụ để quản lý phóng viên của mình khi tham gia mạng xã hội.

Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đã đánh giá cao những nội dung trong quy định, với nhiều điểm mới.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế; có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.

Trước các hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo khi tham gia mạng xã hội, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, từ đầu năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam với những quy định cụ thể về những nguyên tắc, chuẩn mực, những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam:

Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội

1. Sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước.

2. Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

3. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân.

4. Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội

1. Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật.

2. Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác.

3. Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.

4. Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội.

5. Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền.

6. Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc.

7. Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội.

8. Sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang mạng xã hội khi chưa được phép.

  Nguyễn Kiên