Việc thu tiền lắp đặt đồng hồ đã có trong Hợp đồng
Công ty CP Thống Nhất là đơn vị đã được thành phố và các ngành chức năng của huyện Vĩnh Bảo lựa chọn là đơn vị có đầy đủ năng lực đầu tư, mở rộng dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của UBND TP Hải Phòng. Đơn vị đã đầu tư kinh doanh, vận hành và phục vụ cung cấp nước sạch cho các tổ chức, cá nhân trong “Vùng phục vụ cấp nước” thuộc địa bàn các xã Tiền Phong, Đồng Minh, Vĩnh Phong, Thanh Lương, Hưng Nhân.
Khu vực bể lắng, bể lọc nước sạch của Công ty CP Thống Nhất (Ảnh: PV)
Mặc dù đầu tư xây dựng nhà máy nước phục vụ vùng nông thôn có đặc điểm địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung (như khu vực đô thị), nhu cầu sử dụng nước sạch bình quân/nhân khẩu bằng 1/3 người dân đô thị … Đây là những khó khăn cho Công ty CP Thống Nhất trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nên rất cần sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự chung tay đóng góp của nhân dân khi được sử dụng nguồn nước sạch quy chuẩn quốc gia QCVN 01/2009/BYT như những khu đô thị trong nội thành Hải Phòng.
Vì vậy, đơn vị này đã mạnh dạn huy động vốn đầu tư trên 40,4 tỷ đồng để xây dựng một nhà máy nước sạch theo công nghệ hiện đại có công suất 6.000m3/ngày đêm; hệ thống bể lắng, bể lọc, nhà điều hành, hệ thống đường cấp nước tuyến trục chính, trục nhánh với hàng chục km đương ống. Chất lượng nước đầu ra của Nhà máy nước Tiền Phong luôn đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01/2009/BYT về chất lượng nước ăn uống, với kết quả phân tích mẫu nước đạt 109 chỉ tiêu A, B, C. Áp lực nước tại các điểm cuối trên mạng lưới đường ống cấp 3 phải đạt 10 m cột nước trở lên, cấp nước 24/24 giờ…
Giữa Công ty CP Thống Nhất và UBND xã Tiền Phong đã ký Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước số 10.2/TT-DVCN ngày 10/2/2018.
Thoả thuận này được xây dựng, ký kết thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 117/2007/NĐ-CP, Nghị định 124/2011/NĐ-CP và Văn bản hợp nhất hai Nghị định này số 03/VBHN, ngày 30/7/2014 của Bộ xây dựng và các quy định của thành phố Hải Phòng.
Công ty CP Thống Nhất cũng đã ký Hợp đồng với từng hộ dân mua nước (khách hàng) trên địa bàn xã Tiền Phong.
Thời gian gần đây, có một số người dân có ý kiến thắc mắc về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thoả thuận dịch vụ cấp nước của Công ty CP Thống Nhất với nhân dân, như: việc thu tiền đồng hồ đo đếm nước; đơn giá nước 8.500 đồng/1m3 nước… là trái quy định. Một số người dân còn viện dẫn Khoản 3 Điều 42 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 để yêu cầu Công ty CP Thống Nhất trả lại cho dân…
Hệ thống bể bể lắng, nước thô đầu vào của Công ty CP Thống Nhất được đầu tư quy mô bài bản (Ảnh: PV)
Tuy nhiên, Nghị định 117/NĐ-CP và 124/NĐ-CP của Chính phủ ngoài Điều 42 “Thoả thuận đấu nối”, còn có Điều 44 về “Hợp đồng dịch vụ cấp nước” và Điều 49 về “Đo đếm nước”… Do hạn chế về hiểu biết pháp luật, nên một người dân xã này chỉ biết “soi” Khoản 3 Điều 42 mà không xem Điểm h) Khoản 1 Điều 44 “Hợp đồng dịch vụ cấp nước” có ghi rõ “h) Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận” và Khoản 3, Điều 44: “Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ phải được Ủy ban nhân dân ký Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước bán lẻ xem xét, chấp thuận bằng văn bản”
Tại Khoản 1 Điều 49 ghi rõ “1. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm và thiết bị phụ trợ khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Tại Điểm 2.7 Khoản 2, Điều 6 trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa Công ty CP Thống Nhất đã ký với các hộ dân, thì các hộ dân có nghĩa vụ với “Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Theo các quy định nói trên, có thể thấy Công ty CP Thống Nhất đã thực hiện theo đúng Thoả thuận dịch vụ cấp nước với UBND xã Tiền Phong đã ký, được ghi tại Khoảng 2, Điều 6 có nội dung “Nguồn vốn để thực hiện kế hoạch phát triển cấp nước theo thoả thuận này là nguồn vốn tự có của Bên B đầu tư xây dựng mạng lưới đường ống truyền dẫn, phân phối và dịch vụ. Các hộ có nhu cầu sử dụng nước trong thời gian triển khai dự án (theo thông báo của nhà máy) có nhu cầu sử dụng nước phải tham gia một phần kinh phí tối thiểu là 1.500.000 đồng/hộ để lắp đặt đấu nối vào đồng hồ D15 từ mạng lưới đường ống cấp nước của Nhà máy.”; thực hiện đúng Điểm 2.7 Khoản 2 Điều 6 trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước giữ Doanh nghiệp với các hộ dân mua nước.
Việc thu khoản kinh phí này cũng phù hợp với Điển 6, Điều 1 tại Quyết định số 2036/QĐ-UBND, ngày 7/9/2015 UBND TP Hải Phòng về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn năm 2015. Theo Quyết định này thì nguồn vốn gói thầu xây dựng hệ cấp nước tập trung tại xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo là 1.500.000.000 đồng gồm: Ngân sách Trung ương, huy động các thành phần kinh tế khác và nhân dân đóng góp.
Việc doanh nghiệp này thu tiền lắp đặt 1,5 triệu đồng/1 hộ dân khi có nhu cầu đã được Doanh nghiệp Thông báo đến các ban ngành của UBND xã và cho phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã Tiền Phong trong nhiều buổi, nhiều ngày.
Hệ thống máy bơm tự động luôn đảm bảo áp lực nước phục vụ cho dân 24/24 giờ (Ảnh: Phương Thanh)
Thực hiện sự thoả thuận này, các hộ sử dụng nước đã tự nguyện tham gia cùng Dự án cấp nước của Doanh nghiệp chúng tôi bằng việc nộp 1.500.000 đồng để được lắp đặt đấu nối và đồng hồ D15 để sử dụng nguồn nước sạch của đơn vị. Công ty CP Thống Nhất không ép các hộ buộc các hộ phải sử dụng nước, phải nộp số tiền này. Sự thoả thuận này đã được hai bên tự nguyện thực hiện trong nhiều năm qua, không mâu thuẫn tranh chấp. Nhưng gần đây, đã phát sinh một số mâu thuẫn trong nhân dân, do một số người dân, thậm chí cán bộ cơ sở chưa hiểu đúng các quy định của pháp luật liên quan, nên mới có phát sinh những kiến nghị, thắc mắc nói trên.
Xung quanh những kiến nghị của người dân, ngày 13/3/2020, UBND xã Tiền Phong đã có Công văn số 60/TTr – UBND gửi Sở NN&PTNT Hải Phòng hỏi về việc này. Tại Công văn phúc đáp số 634/SNN-TL ngày 26/3/2020 của Sở NN&PTNT Hải Phòng đã trả lời cho UBND xã Tiền Phong về việc này.
Theo Luật sư Nguyễn Quang Chiến - Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng cho biết: Đối chiếu các quy định tại Nghị định 117/NĐ-CP và Nghị định 124/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật, Hợp đồng giữa các hộ dân với doanh nghiệp và Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước giữa doanh nghiệp với UBND xã Thống Nhất thì việc thu số tiền 1,5 triệu đồng/1hộ dân khi lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt là đúng quy định. Rất nhiều các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn các huyện ngoại thành Hải Phòng đã thu khoảng tiền này từ với mức thu từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/1 hộ. Nhưng đến nay, các địa phương đều ủng hộ về việc này.
Việc thu tiền nước giá 8.500 đồng/1m3
“Thực hiện Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 14/7/2017 của UBND TP Hải Phòng “về giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng”, tại Khoản 4 có ghi “Giá nước sạch quy định tại khoản 1, 2 được áp dụng cho: a)…; b) Chất lượng nước cấp phải đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ y tế”.
Ông Lương Đức Thắng - Giám đốc Công ty CP Thống Nhất giới thiệu về hệ thống điều khiển lọc nước, cấp nước sạch áp lực tự động (Ảnh: Phương Thanh)
Trong khi đó chất lượng nước của Công ty CP Thống Nhất đạt quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế về 109 chỉ tiêu. Chất lượng nước ngang bằng với Công ty CP cấp nước Hải Phòng đang cấp cho khu vực nội thành, nên từ tháng 4 năm 2017, Công ty CP Thống Nhất thu với giá 8.500 đồng/1m3 nước sạch thì cũng không có gì sai. Vì tại thời điểm này, tại Công ty CP cấp nước Hải Phòng và rất nhiều doanh nghiệp cấp nước khác đang thu tại nhiều địa bàn nông thôn khác với giá 9.000đồng/1m3 nước sạch.
Tuy nhiên, sau đó từ tháng 12 năm 2018, Chúng tôi đã điều chỉnh từ giá 8.500 đồng/1m3 xuống 8.200 đồng/1m3 bảo gồm cả thuế tài nguyên nước (100đ). Vì theo, giá quy định tại Quyết định số 03/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng thì giá 8.100 đồng/1m2 “chưa bao gồm thuế GTGT, giá dịch vụ thoát nước, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, thuế tài nguyên nước.” – Ông Lương Đức Thắng – Giám đốc Công ty CP Thống Nhất cho biết.
Có thể thấy, việc thu tiền nước với giá 8.500 đồng/1m3 của Công ty CP Thống Nhất trong khoảng thời gian 8 tháng với các hộ dân là do một số văn bản của Thành phố chưa quy định rõ đối với các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch 01:2009/BYT và 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Sau đó, Doanh nghiệp này đã chủ động điều giá nước xuống 8.200 đồng/1m3 nước.
Theo ông Lương Đức Thắng cho biết: Nếu UBND TP có văn bản đề nghị Công ty chúng tôi cụ thể về việc này, doanh nghiệp sẽ thực hiện.
Phương Thanh