Theo Tiến sỹ Công Phạm, 6 yếu tố đó là: Thứ nhất, lĩnh vực kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng và hiện chiếm gần 45% tỷ trọng của GDP, đóng góp 1/3 ngân sách nhà nước, 40% vốn đầu tư và sử dụng 85% lao động của cả nước.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Cụ thể 6 yếu tố thể hiện Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Thứ hai, Việt Nam đã cải cách luật đầu tư nước ngoài và trong giai đoạn từ tháng 1-7 năm nay thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thứ ba, Việt Nam hiện đã phát triển một môi trường cạnh tranh thị trường trong các lĩnh vực.

Thứ tư, luật pháp cũng phát triển để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Việt Nam đã ban hành luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Luật Doanh Nghiệp và Luật đầu tư. Những bộ luật này - ra đời từ giữa năm 2000 và đã được sửa đổi nhiều lần - đã trở thành các yếu tố quan trọng tạo ra môi trường minh bạch.

Thứ năm, thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh với mức vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng đáng kể qua thời gian.

Thứ sáu, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,9%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, không có lý do gì mà Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Bởi lẽ, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, điều này khẳng định Việt Nam là quốc gia có độ tin cậy về thương mại rất cao.

Ảnh
Cụ thể 6 yếu tố thể hiện Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đã tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ và đã có những nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường, hội nhập với thế giới. Biểu hiện, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện thuộc nhóm lớn nhất thế giới, tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

Bên cạnh Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, Việt Nam xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, 6 tiêu chí được sử dụng để xác định xem một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác... thì Việt Nam đã thể hiện được cả 6 yếu tố trên.

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 và hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với nhiều quốc gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.