Việt Nam chính thức đề nghị Mỹ xem xét, công nhận quy chế kinh tế thị trường vào tháng 9/2023, trong thời gian Tổng thống Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Bộ Thương mại Mỹ sau đó thông báo quá trình xem xét kéo dài 270 ngày, đến 26/7.

Mỹ cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. (Nguồn: AFP)
Trước đó, Mỹ cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nguồn AFP.

Ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần, nghe tranh luận của các bên liên quan - đây là bước quan trọng của quy trình rà soát, đánh giá, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Việc Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường giảm thuế nhập khẩu áp lên nhiều sản phẩm của Việt Nam khi đi vào thị trường số 1 thế giới, đồng thời có lợi thế trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Chẳng hạn, với một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam - tôm đông lạnh, thay vì phải chịu mức thuế 25,76% như hiện nay, có thể chỉ còn chịu mức thuế 5,34% như sản phẩm từ Thái Lan - nước được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Theo quy định khá hẹp của Mỹ, Bộ Thương mại nước này sẽ dựa vào nhóm sáu tiêu chí để xem xét công nhận một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả và các yếu tố khác.

Trước ngày Mỹ tiến hành phiên điều trần, hãng tin Reuters bình luận, “một sự công nhận như vậy của Mỹ đối với Việt Nam là phù hợp với việc Việt Nam đã trở thành điểm đến để doanh nghiệp Mỹ đa dạng chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc - chiến lược thường được gọi là “friend-shoring”, tức dịch chuyển sản xuất sang các nền kinh tế có quan hệ chính trị tốt đẹp.

Bài viết của nhà nghiên cứu James Borton tại Viện Chính sách đối ngoại Johns Hopkins (Mỹ) công bố hồi tháng Ba đánh giá, việc công nhận quy chế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam dễ dàng hơn và chi phí thấp hơn.

Việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ giúp hai nền kinh tế Mỹ - Việt Nam mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. (Nguồn: Shutterstock)
Việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ giúp hai nền kinh tế Mỹ - Việt Nam mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. Nguồn Shutterstock.

Ngoài ra, chuyên gia James Borton đánh giá, việc được công nhận quy chế thị trường không chỉ giúp Việt Nam gia tăng thương mại và đầu tư với Mỹ. Đổi lại, lợi ích mà các công ty Mỹ có được là các cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn và gia tăng xuất khẩu, tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, máy móc, máy bay và dược phẩm. Tất cả đều góp phần thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Trên thực tế, việc công nhận là nền kinh tế thị trường của Việt Nam vấp phải hai luồng ý kiến đối lập. Trong khi các hãng bán lẻ và nhiều nhóm doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam, các nhà sản xuất thép Mỹ, các chủ trang trại tôm ở vùng duyên hải không ủng hộ.

Liên minh tôm miền Nam cho biết, họ không đồng tình việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường, ngoài một số lý do (chưa được kiếm chứng), thì nếu đánh thuế tôm Việt Nam thấp hơn sẽ gây tổn hại cho các thành viên của liên minh này.

Hay một nhóm không ủng hộ khác, như nhà sản xuất thép Steel Dynamics lo ngại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc. Việc nâng hạng thị trường cho Việt Nam sẽ “xói mòn nền sản xuất trong nước Mỹ” và mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào Việt Nam, giúp các công ty này dễ dàng lách thuế quan của Mỹ…

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại phiên điều trần vừa qua, phía Việt Nam nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng tốt các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Đồng thời cho rằng, việc tiếp tục bị xem là nền kinh tế “phi thị trường” không tốt cho quan hệ song phương vốn đang ngày càng chặt chẽ.

Luật sư Eric Emerson từ Công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ), đại diện cho Bộ Công thương Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã đáp ứng đủ sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để công nhận một nền kinh tế thị trường.

“Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình trên các yếu tố theo luật định này tốt hoặc thường tốt hơn các nền kinh tế đã được quy chế kinh tế thị trường”, Luật sư Eric nhấn mạnh. Ông chỉ ra, Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines…

Thực tế, cho tới nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

Theo Reuters, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đánh giá: “Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường rồi”. Ủng hộ Việt Nam, ông khẳng định “Việt Nam đáp ứng tốt các tiêu chí quan trọng, như khả năng chuyển đổi của tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận một cách chính xác. Doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh tay vào Việt Nam, vì nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế này”.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ đã tăng gần 300 lần, đạt gần 111 tỷ USD đến cuối 2023. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ hai. Bốn tháng đầu năm 2024, thị trường Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1, với kim ngạch trên 34 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, nước này nằm trong nhóm thị trường hàng đầu, với 4,5 tỷ USD tính tới hết tháng Tư.

Theo Reuters/baoquocte.vn