Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thảo (Nam Thảo Kids), có địa chỉ tại: 180 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh các sản phẩm là quần áo, dép trẻ em các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Nike, Gucci, MLB, Louis Vuitton.
Các sản phẩm này đều được bày bán công khai với giá thành thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng; chất liệu vải, đường chỉ may cũng như tem nhãn có dấu hiệu không đúng so với hàng chính hãng.
Kết quả kiểm tra phát hiện các cơ sở kinh doanh đang trưng bày để bán gần 300 sản phẩm là quần áo, dép trẻ em các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu trên.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Trước đó, trong quá trình thu thập thông tin để viết loạt bài liên quan đến những mặt hàng có dấu hiệu làm giả, làm nhái, không nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu trốn thuế, không có hóa đơn chứng từ đang được bày bán công khai tại các cửa hàng, shop thời trang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thương hiệu và Công luận đã phản ánh về tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại cửa hàng Nam Thảo Kids qua bài viết: Phát hiện nhiều shop thời trang lớn tại Thanh hóa bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo quan sát của PV hầu như các sản phẩm quần áo ở đây đều được gắn thêm mác mang tên cửa hàng, giá bán, địa chỉ và số điện thoại; còn thông tin sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ thì không có.
Tại khu vực gian hàng trưng bày quần áo, đồ chơi trẻ em, PV đã phát hiện vô số những sản phẩm có tem nhãn chữ Trung Quốc mà không có nhãn phụ, cũng không thấy ghi thông tin của đơn vị nhập khẩu, mà chỉ thấy gắn mác giá sản phẩm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao dưới sự vào cuộc tích cực đồng bộ, triển khai nhiều phương án, kế hoạch cụ thể trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sự kết hợp chặt chẽ, thường xuyên liên tục giữa Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng chức năng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ và thị trường mà hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc xuất xứ vi phạm các quy định về nhãn phụ vẫn có chỗ “trú chân” ở mảnh đất xứ Thanh?
Lê Nam