Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị
Đến dự hội nghị còn có các vị, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc; lãnh đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố; đại diện các ban, ngành, các cơ quan báo chí...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc đã báo cáo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2017.
Theo đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc,…
Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam bộ như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, TP. Hồ Chí Minh,… Buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia cầm, gia súc,… còn xảy ra, chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng,…
Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt vẫn diễn ra (chủ yếu là tuyến Lào Cai - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội) và tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng,... các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước.
Đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thị trường nội địa, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra và chủ yếu là ở các tỉnh, thành phố lớn, sức tiêu thụ cao như, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,...; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, Tết, mùa du lịch.
Năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 164.355 vụ (giảm 2.746 vụ, tương ứng giảm 2% so với năm 2016); phát hiện, xử lý 103.146 vụ vi phạm (giảm 1.661 vụ, tương ứng giảm 2 % so với năm 2016); với tổng số thu nộp ngân sách 511,75 tỷ đồng (giảm 37,15 tỷ đồng, tương ứng giảm 7 % so với năm 2016); giá trị hàng tịch thu 215,089 tỷ đồng (giảm 165,811 tỷ đồng, tương ứng giảm 44 % so với năm 2016); ước trị giá hàng tiêu hủy 206,4 tỷ đồng (tăng 43,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 22 % so với năm 2016).
Một số Chi cục quản lý thị trường đạt kết quả cao về số thu nộp ngân sách Nhà nước như: TP. Hồ Chí Minh (118,8 tỷ đồng); Hà Nội (56,1 tỷ đồng); Lạng Sơn (24,2 tỷ đồng); Đà Nẵng (18,1 tỷ đồng); Thanh Hóa (17,1 tỷ đồng); Cần Thơ (15,1 tỷ đồng); Bắc Ninh (13,1 tỷ đồng); An Giang (11,5 tỷ đồng); Đồng Nai (11,3 tỷ đồng); Bắc Giang (11,1 tỷ đồng); Bình Dương (10 tỷ đồng)...
Cục trưởng Cục QLTT Trịnh Văn Ngọc phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc cũng cho biết, hiện nay công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng thực thi quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn, đó là:
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Lực lượng Quản lý thị trường còn mỏng, khối lượng công việc nhiều, trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế gây khó khăn đối với công tác kiểm tra, kiểm soát.
Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều đội quản lý thị trường vẫn phải thuê hoặc mượn trụ sở làm việc, không có đủ phương tiện làm việc.
Kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí giám định, kiểm định chất lượng hàng hoá ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là kiểm tra mặt hàng phân bón; kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng; việc lưu giữ, bảo quản hàng hoá chờ xử lý gặp nhiều khó khăn vì không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, bên cạnh những thành tích đã đạt được trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả của các lực lượng thực thi quản lý thị trường trong năm 2017, trong thời gian tới, công tác đấu tranh này còn nhiều việc phải làm và làm thường xuyên, liên tục, đấu tranh có trọng điểm. Đặc biệt là cần phải thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm của từng cán bộ; quy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả...
Nguyễn Kiên