(TH&CL) Vừa qua, Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam(Vatap) và Cục Quản lý thị trường tổ chức lễ ký hợp tác toàn diện về chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Ảnh: TC HH&TH
Tham dự lễ buổi lễ có đại diện Văn phòng chính phủ, Ban 127 Trung ương, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cầm Tú, Cục quản lý thị trường , Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, Bộ quốc phòng, cùng Hiệp hội các nghành nghề và đại diện một số doanh nghiệp, cơ quan báo, đài..., đặc biệt tại buổi lễ đã vinh dự đón nhận lẵng hoa và thư chúc mừng của phó Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc - một niềm động viên khích lệ đối với những người đang làm công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Công thương, Cục quản lý thị trường, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), cơ quan Thường trực 127 TW đều cho rằng vấn đề hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đang là vấn nạn toàn cầu, xâm nhập khắp mọi nơi trên thế giới với nhiều loại hàng hóa khác nhau, nó len lỏi vào khắp các mặt hàng tiêu dùng gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng và thất thu ngân sách Nhà nước. Những mặt hàng gian lận thương mại đang ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thương hiệu cũng tỏ ra bức xúc trước việc bản quyền, hàng hóa bị xâm phạm, làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu và tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
Điển hình Chi hội gas miền Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sang chiết gas lậu sau khi bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục vi phạm là do lợi nhuận đem lại hàng tỷ đồng, trong khi mức xử phạt hành chính còn thấp nên các cơ sở sang chiết gas trái phép liên tục tái phạm. Chi hội đề nghị , đối với các trạm chiết nạp gas lậu, ngoài việc bị phạt hành chính, tịch thu tang vật thì cơ quan chức năng cần truy thu thuế và các thu nhập bất chính.
Đại diện trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y , thuốc bảo vệ thực vật cũng bức xúc, trên cả nước có trên 100 công ty sản xuất thuốc thú y, thực vật nhưng chỉ có 43 công ty có giấy chứng nhận đạt chuẩn. Hiện tại có rất nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguần gốc xuất xứ đang trôi nổi trên thị trường, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường ( Bộ Công Thương) cho biết hàng giả hiện là một vấn nạn của hầu hết các nước trên thế giới. Theo Tổ chức Hải quan thế giới, hàng giả, hàng nhái chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu, tương đương 500 tỷ USD hằng năm. Các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là số liệu thống kê qua hoặt động sản xuất nhập khẩu, nếu tính cả sản xuất và tiêu thụ nội địa thì lên đến 2.000 tỷ USD.
Ở Việt Nam, hàng giả, hàng nhái đang là một vẫn đề bức xúc của xã hội. Hàng giả xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ vùng cao đến cả siêu thị. Rất nhiều mặt hàng đang lưu thông trên thị trường đều có hàng giả , hàng nhái, nhất là những mặt hàng như mỹ phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi , thực phẩm, bia rượu, bao bì, mũ bảo hiểm...
Năm 1996, cả nươc s chỉ phát hiện và xử lý 961 vụ thì đến năm 2012, các lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 11.284, thu phạt 137,6 tỷ đồng (gấp 1,84 lần về số vụ và 5,6 lần về giá trị phạt so với năm 2011); riêng 10 tháng đầu năm 2013, cả nước cũng đã phát hiện và xử lý 11.247 vụ.
Lãnh đạo Cục quản lý thị trường (QLTT) cũng đã chỉ ra 06 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành là do Luật còn nhiều kẽ hở; chế tài xử lý còn nhẹ chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các đơn vị lực lượng chức năng chưa đồng bộ; nhận thức về hàng giả của người dân còn nhiều hạn chế; chủ thể hàng có chứng nhận Sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để truy ra hàng giả, hàng nhái; chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương.
Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Vatap cho biết, trong thời gian qua, việc thực thi quyền SHTT ngày càng được chú trong hơn, nhưng cũng chưa hiệu quả vì ít áp dụng biện pháp dân sự. Từ khi có luật SHTT đến nay , số vụ tranh chấp SHTT đưa ra tòa xét xử chỉ vài trăm vụ, trong khi các lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm. Ông Lê Thế Bảo nhấn mạnh vấn nạn, hàng giả, hàng nhái hiện nay diễn ra tràn lan. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải đề ra phương án hành động một cách cụ thể, dứt khoát . Ông cho rằng để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ đã giao các ban, nghành liên quan cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau...
Để có hướng giải pháp tốt nhằm ngăn chăn hàng giả, hàng nhái. Ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý những trường hợp vi phạm; tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực, phương tiện cho đội ngũ làm công tác chống hàng giả , hàng nhái; sớm thành lập đôi chống hàng giả, hàng nhái trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường để làm nhiệm vụ trên các địa bàn liên tỉnh , liên tuyến...
Cũng theo ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Vatap, để giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì một cơ quan hay một tổ chức không thể thực hiện được mà cần phải có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng.
Ký kết hợp tác toàn diện giữa đại diện 02 cơ quan: Ông Lê Thế Bảo - Chủ Tịch Hiệp Hội (VATAP) và Ông Trương Quang Hoài Nam – cục trưởng Cục QLTT, với sự chứng kiến của Ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công Thương, và các vị Đại biểu Quản lý thị trường, Hải Quan, đại diện bộ Công an, bộ Quốc phòng và đại diện các cơ quan báo chí.
PV