Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.

Cơ quan thuế cho biết hầu hết các địa phương số nợ đọng thuế tăng so với thời điểm ngày 31/12/2017. Số nợ thuế tăng cao nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Cục thuế: Tổng tiền nợ thuế lên tới 83.000 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2017 - Hình 1

Nợ thuế lên tới 83.000 tỷ đồng

Bên cạnh đó, một số cục thuế, chi cục thuế chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, chưa thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý nợ, chưa chỉ đạo ráo riết, kịp thời và tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế và xử lý nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý...

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do cơ quan thuế chưa làm các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ xóa nợ thuế đối với khoản nợ không còn khả năng thu hồi theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao và kéo dài, ngày càng phức tạp, nhất là ở một số thành phố lớn.

Để tăng cường xử lý nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định 1914/QĐ-TCT về việc ban hành phương án xử lý nợ đọng ngành thuế quản lý với mục tiêu triển khai quyết liệt trong toàn ngành thuế các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

Theo đó, Cục Thuế, Chi cục Thuế phân công giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế, cụ thể: Cục Thuế phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo Phòng, Chi cục Thuế và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế, gắn trách nhiệm thực hiện xử lý nợ thuế với việc bình xét thi đua.

Ngọc Linh