Cố tình hạ giá thành sản phẩm?
Đạm Cà Mau (ĐCM) sở hữu nhà máy sản xuất ure hạt đục duy nhất tại Việt Nam với năng lực sản xuất đứng thứ 2 trong ngành, đạt 800 nghìn tấn/năm, chủ yếu là sản phẩm ure hạt đục, chiếm phần lớn thị phần tại khu vực Đông Nam Bộ.
ĐCM tiến hành IPO năm 2014 và niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) kể từ cuối tháng 03/2015, tuy nhiên PVN vẫn giữ vai trò chi phối tại doanh nghiệp này. Giống như ĐPM, ĐCM sử dụng các dây chuyền sản xuất từ EU/G7, trang bị các công nghệ tổng hợp amoniac và ure thuộc loại tiên tiến nhất. Mặc dù chiếm ưu thế rất lớn về ure hạt đục (đắt hơn ure hạt đục) ở Việt Nam nhưng suốt những năm qua, giá bán ure Cà Mau thường thấp hơn ure Phú Mỹ hạt trong.
Nhà máy Đạm Cà Mau
Theo một nhà phân phối xin được dấu tên, Đạm Cà Mau (ĐCM) và Đạm Phú Mỹ (ĐPM) là hai “ông lớn” trong ngành phân bón của Việt Nam và đối với ĐCM thì thường cung cấp trực tiếp cho nhà phân phối và các công ty sản xuất nhỏ lẻ, trong khi ĐPM bán trực tiếp cho nông dân. Chất lượng được đánh giá là như nhau nhưng đạm hạt trong của Phú Mỹ tan nhanh hơn nên nông dân khá ưa chuộng. Tuy vậy trên thị trường phân bón, giá bán ĐCM đang thấp hơn ĐPM 600đ/kg.
Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ có điều này là do ĐCM chủ động giữ giá thấp hơn ĐPM để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, liệu việc cố tình giảm giá này có vi phạm Luật Cạnh tranh và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “đứa con” của mình là ĐPM như thế nào, đây là có lẽ vấn đề đặt ra trong điều hành vĩ mô của PVN?
Đây là câu chuyện được quan tâm từ nhiều năm trước. Năm 2012, PVN đã có đề nghị Chính phủ cho phép giao việc phân phối U-rê của ĐCM và ĐPM cho Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo). Theo đó, PVN mà trực tiếp là PVFCCo nắm toàn bộ việc điều hành cung ứng phân bón của cả nước vì công suất hai nhà máy Phú Mỹ và Cà Mau đã chiếm 85-90% thị phần đạm cả nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại nếu để độc quyền doanh nghiệp này “hắt hơi, sổ mũi” cũng có thể làm thị trường phân bón cả nước “sôi lên sùng sục”.
Thời điểm đó, ông Đỗ Văn Hậu (Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN) cho hay: PVN chỉ báo cáo để Chính phủ biết, còn việc PVFCCo phân phối đạm Cà Mau thì đã... triển khai rồi. Còn liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất đạm trong nước hay không, theo ông Hậu, đạm trong nước cạnh tranh với đạm nhập khẩu là chính, PVN sản xuất đến 90% sản lượng đạm của cả nước thì PVN phải lo tiêu thụ…
Được biết, ĐCM đang đẩy mạnh hoạt động tự doanh phân bón, trong đó có ure. Mới đây, doanh nghiệp này vừa cho cập cảng khối lượng lớn ure nhưng do giá thị trường thế giới giảm, việc tiêu thụ đang gặp khó khăn, nguy cơ phải bán lỗ, hiện chủ yếu đang phải gửi kho và các đại lý.
Theo một nguồn tin, trên thị trường phân bón, giá bán ĐCM đang thấp hơn ĐMP 600 đồng/kg, thấp hơn cả mức giá ĐCM nhập về? Đến đây, câu chuyện ĐCM đang đẩy mạnh việc tự doanh nhập U-re về Việt Nam trong khi năng lực sản xuất U-re của PVN đã rất lớn liệu có đúng với chức năng nhiệm vụ được giao của ngành dầu khí? Với việc bán giá thấp hơn ĐPM và thị trường, ĐCM đang khiến “cuộc chiến” giữa U-re nội và U-re ngoại thêm khốc liệt?
Nhà máy NPK Cà Mau đang chậm tiến độ
Năm 2016, Đạm Cà Mau quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón NPK Cà Mau (Nhà máy NPK Cà Mau) với công suất 300 nghìn tấn/năm và dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500 nghìn tấn/năm, đều dự kiến đi vào hoạt động trong Quý 04/2018. Vốn đầu tư cho dự án Nhà máy NPK Cà Mau là 880 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn tự có trích từ quỹ đầu tư phát triển và 70% vốn vay từ ngân hàng.
Dự án NPK Cà Mau đang chậm tiến độ
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Theo đại diện ĐCM, phải đến tháng 06/2019, Nhà máy NPK Cà Mau mới chạy thử và tháng 07/2019 mới cho ra sản phẩm. Với việc đang có hàng loạt nhà máy NPK công suất lớn đang chiếm lĩnh thị trường, việc “sinh sau đẻ muộn” sẽ khiến Nhà máy NPK Cà Mau gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Thường xuyên tham quan, học hỏi
Được biết, chi phí bán hàng của ĐCM những năm gần đây liên tục tăng. Trong đó, đáng quan tâm là những khoản chi lớn như chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, chi phí quà tặng cho hệ thống đại lý, in lịch Tết, chi phí cho cán bộ đi xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở nước ngoài ...
Theo đại diện ĐCM, những chi phí này đã được lên kế hoạch, tính toán hằng năm cũng như đều có sự chấp thuận từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển, nhập khẩu phân bón, đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới, hợp tác đầu tư cho lĩnh vực phân bón và theo chiến lược phát triển của công ty, ĐCM đã mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Bỉ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Ông Văn Tiến Thanh, TGĐ ĐCM: Các đoàn tham quan, học hỏi trong khuôn khổ trao đổi, hợp tác được diễn ra thường xuyên hàng năm
Do đó, việc các đoàn tham quan, học hỏi trong khuôn khổ trao đổi, hợp tác được diễn ra thường xuyên hàng năm. Đây cũng là cơ sở để đại diện ĐCM phủ nhận thông tin cho rằng Tổng giám đốc Văn Viết Thanh lợi dụng công tác phát triển thị trường ở nước ngoài để dùng tiền của công ty đi thăm con đang du học ở nước ngoài?
Từ năm 2019, ĐCM thực sự gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu khí cũng như không còn được hưởng ưu đãi giá khí. Trên thực tế, giá khí đầu vào có thể tăng đột biến trong khi giá bán không tăng mạnh, dẫn đến biên lợi nhuận giảm mạnh. Nếu ĐCM thả nổi giá khí theo giá thị trường tương tự như ĐPM, giá khí 2019 có thể tăng mạnh 45% kéo theo biên lợi nhuận mảng U-re sụt giảm mạnh.
Đại diện ĐCM cho hay, đang xin hỗ trợ giá khí từ PVN cũng như tính toán tới phương án dùng nguyên liệu khác thay khí bởi không chỉ không còn được trợ giá về khí, nguồn khí cung cấp cho ĐCM từ năm 2019 sẽ rất hạn chế.
Với những khó khăn như vậy, chắc chắn chi phí của ĐCM sẽ tăng hơn. Vấn đề đặt ra, liệu Đạm Cà Mau có thể tiếp tục duy trì mức giá bán hàng thấp hơn người “anh em” cùng PVN là Đạm Phú Mỹ cũng như còn duy trì được các chi phí như quà tặng đại lý, in lịch, cho cán bộ đi nước ngoài tham quan học hỏi… như các năm trước?
Dự án dầu khí tỉ đô ở Venezuela bị điều tra
Chưa hết bất ngờ thông tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí từ chức thì mới đây dự án dầu khí Venezuela của tập đoàn này bị Bộ Công an điều tra. Thông tin trên Dân Trí cho biết, ông Nguyễn Vũ trường Sơn đã có đơn gửi Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí (PVN) để xin từ chức từ nhiều ngày trước. Tuy nhiên, cho đến ngày 12/3/2019, Hội đồng quản trị PVN mới họp lần cuối và xem xét, chấp nhận đề nghị xin từ chức của ông Sơn. Lý do ông Sơn xin từ chức chưa được tiết lộ.
Cùng với đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela (dự án Junin 2) của Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.
Việc cung cấp hồ sơ, tài liệu nhằm phục vụ công tác điều tra xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đầu tư dự án nêu trên. Dự án Junin 2 tại Venezuela do PVEP làm chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela.
Petromacareo là công ty liên doanh giữa PVEP và Công ty Dầu khí Venezuela (CVP), đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) được thành lập để thực hiện dự án. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỉ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015.
Thời hạn hoạt động của công ty liên doanh là 25 năm và có thể gia hạn tối đa thêm 15 năm theo quy định của luật pháp Venezuela.
Tính toán ban đầu cho thấy công suất khai thác giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng dầu/ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng dầu/ngày. Lô Junin 2 có tổng diện tích khai thác 522,84 km2 trên đất liền thuộc các huyện Leonardo Infante, El Socorr, Santa Maria, bang Guarico, Venezuela.
Thế nhưng, hiện nay dự án đã tạm dừng triển khai từ năm 2018, trong khi PVEP đã rót hàng trăm triệu USD vào dự án này.
Hải Đăng