Theo đó, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp liên ngành, đặc biệt với Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong việc xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm. Luật An toàn thực phẩm quy định rõ trách nhiệm quản lý ATTP cho các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Công Thương và UBND các cấp tại các Điều 62, 63, 64 và 65, trong đó Bộ Công Thương chủ trì phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại (khoản 5 Điều 64).

Tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tự công bố đối với đa số sản phẩm, đồng thời quy định chặt chẽ hơn đối với 4 nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, yêu cầu phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dù trao quyền tự công bố, Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ pháp luật về ATTP và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn sản phẩm (điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật ATTP). Chính sách này được đánh giá là tiến bộ, tương đồng với các nước phát triển. Nghị định cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ công bố sản phẩm đối với một số nhóm thực phẩm đặc biệt (khoản 8 Điều 40).

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý theo ngành, lĩnh vực và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các Bộ ngành, địa phương (Khoản 1 Điều 40). UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ATTP trên địa bàn và phải xử lý nghiêm các vi phạm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công tác hậu kiểm được Bộ Y tế đặc biệt coi trọng. Hàng năm, Bộ xây dựng kế hoạch hậu kiểm và phối hợp liên ngành xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật. Cục An toàn thực phẩm đã ký Biên bản hợp tác với Bộ Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ATTP, thường xuyên phối hợp kiểm tra, cung cấp hồ sơ để khởi tố các vụ án sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, chứa chất cấm. Bộ Y tế cũng phối hợp đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính và hình sự trong lĩnh vực ATTP.

Hàng năm, Cục An toàn thực phẩm có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường hậu kiểm ATTP. Từ đầu năm 2025 đến nay, Cục đã có 3 văn bản chỉ đạo về công tác này, triển khai Tháng hành động vì ATTP, yêu cầu các địa phương rà soát, cung cấp thông tin về tình hình công bố sản phẩm, cấp phép cơ sở đủ điều kiện ATTP, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Vụ sữa giả vừa bị lực lượng chức năng triệt phá mới đây
Vụ sữa giả vừa bị Bộ Công an triệt phá mới đây

Đối với vụ sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội, Bộ Công an đã khởi tố vụ án. Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, thể hiện quyết tâm bảo vệ sức khỏe người dân và ổn định thị trường thực phẩm.

Thành Nam (t/h)