THCL Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Á mà thể hiện rõ nhất ở Biển Đông. Tuy nhiên, tranh chấp ở Biển Đông không thể giải quyết bằng lập luận “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong. (Ảnh: Nikkei)
Phát biểu tại hội thảo quốc tế lần thứ 22 về Tương lai châu Á diễn ra hôm qua 30/5 tại Tokyo, Bộ trưởng cấp cao, nguyên Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nói rằng, tranh chấp ở Biển Đông đang bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên vấn đề này không thể giải quyết bằng lập luận “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
Hãng tin Nikkei Asia Review của Nhật Bản dẫn lời ông Goh bình luận rằng, ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị lu mờ, và cho rằng khích động chủ nghĩa dân tộc có thể làm tăng nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Đó là những lý do khiến cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Bàn về bức tranh rộng lớn hơn, ông Goh cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là yếu tốc có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu trong tương lai gần. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tăng tầm ảnh hưởng và tự tin hơn bởi thực tế Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhì đối với tất cả các nước châu Á, các nước “sẽ phải có một số điều chỉnh”. “Cạnh tranh giữa các nước lớn là điều không thể tránh khỏi nhưng không nước nào muốn phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc, ông Goh nói.
Theo ông, sự ổn định ở khu vực châu Á sẽ phụ thuộc vào quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, và rằng khu vực này đủ lớn cho tất cả các cường quốc trong đó có cả Nhật Bản chung sống một cách hòa bình và giải quyết vấn đề không kéo theo căng thẳng.
Những bình luận trên được đưa ra giữa lúc căng thẳng ở Biển Đông gần đây có xu hướng leo thang khi Bắc Kinh ngang nhiên tăng cường các hoạt động bồi lấp, cải tạo trái phép ở khu vực này để khẳng định chủ quyền phi lý. Bắc Kinh cũng ngang ngược tuyên bố rằng sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan dự kiến đưa ra trong vài tuần tới về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam khẳng định, dù không phải là quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng Mỹ sẽ sát cánh cùng với đối tác để thúc đẩy tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do thương mại. Mỹ sẽ tiếp tục cử tàu, máy bay tới vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép.
Theo Minh Phương (Dân Trí)