Một bệnh nhi từng mắc tay chân miệng mức độ nặng được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Một bệnh nhi từng mắc tay chân miệng mức độ nặng được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). (Ảnh: XUÂN MAI)

Cụ thể, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nội dung về tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 17.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam, đặc biệt cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm.

Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh để dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế tối đa số ca tử vong, phòng lây nhiễm chéo với các bệnh truyền nhiễm khác.

Nguyễn Tùng - Hoàng Dương