Sở Y tế TP.HCM cho biết, thông tin không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ là thiếu chính xác. Thông tin này có thể gây hiểu lầm và tạo tâm lý hoang mang trong dư luận.
Trẻ bị tay chân miệng đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM (Ảnh: HOÀNG LAN)
Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đây các bệnh viện sử dụng thuốc tiêm Phenobarbital (100mg/1ml). Đây là thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt, có tác dụng chống co giật và dùng điều trị trẻ sơ sinh bị tay chân miệng nặng. Hiện trên thị trường lưu hành duy nhất thuốc tiêm Phenobarbital là Danotan 100mg/ml (Hàn Quốc) do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu và phân phối.
Tuy nhiên từ tháng 6, các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP có công văn gửi Sở Y tế TP. HCM thông báo tình hình thiếu thuốc tiêm Phenobarbital. Lý do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 ngưng nhập khẩu.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP. HCM kiến nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc Phenobarbital cho các bệnh viện. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược cho biết Hàn Quốc đã ngưng sản xuất loại thuốc nói trên. Cục Quản lý dược cũng có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng nhưng đến nay chưa có kết quả.
Theo Phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế, cần nhắc lại cho rõ thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml không phải là thuốc chống co giật duy nhất trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng diễn biến nặng do Bộ Y tế ban hành. Phenobarbital là thuốc ưu tiên sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ và đã được các bác sĩ quen sử dụng cho bệnh nhi có chỉ định từ rất lâu.
Hiện nay, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital theo các phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác trong thời gian sớm nhất.
Nguyễn Tùng