Cần đưa các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị. (Ảnh minh họa)Cần đưa các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị. (Ảnh minh họa)

Văn bản nêu rõ, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm vi rút đường ruột, lây truyền qua đường tiêu hóa, mắc chủ yếu ở trẻ nhỏ, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

Tại tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 15/7, đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc tay chân miệng, rải rác ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Dự báo, số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt là trong mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới.

Để chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng, không để dịch bùng phát, lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và tự giác, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. 

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường hoạt động thông tin và truyền thông về nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và biện pháp phòng, chống. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch (nếu có). Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường học, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục chuẩn bị và bảo đảm có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng ở vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay.  

Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh theo chức năng nhiệm vụ chủ động, phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch tay chân miệng tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là lao động đang có con nhỏ. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng. Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương vận động mọi tầng lớp nhân dân, nhà trường tổ chức vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong các nhà trẻ, mẫu giáo, các hộ gia đình bằng nước xà phòng. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các bếp ăn tập thể nhà trường, việc bảo đảm vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ. 

V.Anh (T/h)