Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm
6 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 244 ca mắc tay chân miệng, tăng 189 ca so với cùng kỳ năm 2019, chưa có trường hợp nào tử vong. Số trẻ mắc mới tay chân miệng được phát hiện chủ yếu ở thời điểm khi học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Lúc này tình trạng lây chéo diễn ra rất nhanh do trường học là nơi tập trung đông người, cùng với đó là thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường rất thuận lợi cho sự tái phát bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo, cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Cùng với đó, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi; vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, cần cách ly trẻ mắc tay chân miệng tại nhà cho đến khi khỏi bệnh ít nhất 10 đến 14 ngày để tránh lây lan thành dịch lớn. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ghi nhận tại Bệnh viện Sản – Nhi, nếu như như trong quý I chỉ có hơn 20 trẻ đến khám do mắc bệnh tay chân miệng, đến tháng 6 có 283 ca. Đặc biệt, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã lên đến 103 trẻ, gần bằng một nửa số ca mắc cả tháng 6. Tương đương với đó, số lượt trẻ mắc tay chân miệng đến khám ngoại trú, số trẻ phải điều trị nội trú cũng gia tăng. Trong khi trong tháng 5 chỉ ghi nhận 7 trường hợp điều trị nội trú, con số này ở tháng 6 tăng lên 153 trường hợp và trong 7 ngày đầu tháng 7 là 46 trường hợp.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Nếu trẻ được phát hiện sớm, bệnh tay chân miệng có thể chữa khỏi tại nhà. Thế nhưng, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch dẫn đến tử vong.
Lê Sơn