Vì sao người dân làng chài Nam Ô phản đối doanh nghiệp chắn lối xuống biển? Ảnh Hoàng Hữu Quyết
Người dân làng chài Nam Ô phản đối doanh nghiệp chắn lối xuống biển? Trong ảnh: Khu vực làng chài Nam Ô. Ảnh Hoàng Hữu Quyết.

Theo phản ánh của người dân nơi đây, lối xuống biển số 4 là lối đi chính trong 5 lối xuống biển ở khu vực Nam Ô bị nhà thầu rào lưới đóng lại để thi công dự án. Công trình cũng không tạo điều kiện bằng cách làm tới đâu lấp tới đó để bà con có thể sử dụng lối đi này. Trong khi với các lối đi còn lại, riêng lối số 5 không thể đi xe máy để ra bãi thuyền thúng vì đã xây bậc cấp và lên dốc sát ghềnh; lối số 3 xa hơn nhưng cũng không thể sử dụng vì đi qua dự án đang thi công.

Việc đóng tạm lối đi số 4 khiến bà con ra bãi tập kết thuyền thúng xa hơn, đồng thời máy móc dụng cụ thuyền lưới không thể chạy xe vào để chở về sữa chữa, lúc mưa bão không thể ứng phó kịp thời trong việc phòng chống bảo vệ tài sản… Chính vì vậy, mấy ngày nay, người dân đã bức xúc xô ngã rào chắn và tháo các tấm bảng thi công xuống để tiếp tục sử dụng lối đi xuống biển.

Người dân làng chài Nam Ô phản đối doanh nghiệp chắn lối xuống biển
Người dân làng chài Nam Ô phản đối doanh nghiệp chắn lối xuống biển

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, việc đóng tạm lối đi số 4 đồng thời tổ chức giao thông các lối đi khác để thuận tiện cho người dân xuống biển đã được UBND quận Liên Chiểu cho phép.

Sau đó, ông Đặng Văn Kiên, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cũng đã chủ trì cuộc họp triển khai việc đóng tạm lối đi số 4 đến hết 31/12 với sự tham dự của các đơn vị từ quận, phường, các tổ trưởng dân phố từ 42 đến 54 khu dân cư Nam Ô 2, Xuân Dương. Trong kết luận cuộc họp cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án lắp đặt bảng hướng dẫn tại lối xuống biển số 4 để người dân được biết, hỗ trợ xử lý mặt bằng tại các lối xuống biển còn lại để thuận lợi cho người dân đi lại; các tổ trưởng dân phố thông báo cho người dân biết việc đóng tạm lối đi số 4 để chấp hành.

Tại vị trí lối xuống biển số 4 theo giấy phép xây dựng được phê duyệt sẽ bố trí cống hộp 1,2 x 1,2 m và Trạm bơm thoát nước thải SPT 1, vì vậy, các hố sâu bắt buộc phải đào lên tại trí vị trí này, dẫn đến rất dễ xảy ra tai nạn khi người dân, du khách sơ ý té vào các hố ụ. Do cửa lối số 4 diện tích không thể bố trí lối đi tạm, hay thực hiện phương án làm đến đâu lấp đến đó lấy lối đi cho người dân nên buộc phải rào chắn để thi công đến hết ngày 31/12/2023.

Hàng rào thép chặn lối vào cổng số 4 bị người dân xô đổ
Hàng rào thép chặn lối vào cổng số 4 bị người dân xô đổ

Hiện nay, công trường có rất nhiều hố ụ đào sâu, máy móc, vật tư, thiết bị và phương tiện phục vụ thi công hoạt động liên tục trong phạm vi khu vực dự án. Tuy nhiên, tại các lối xuống biển số 4, 5 (các lối này đi băng qua dự án, nơi phạm vi công trường đang thi công) người dân đi lại nhiều, sử dụng nhiều phương tiện di chuyển liên tục mỗi ngày, bất chấp các biển cảnh báo, nhắc nhở của bảo vệ dự án.

Vịnh neo đậu thuyền ở bãi số 4
Vịnh neo đậu thuyền ở bãi số 4.

Lãnh đạo phường Hòa Hiệp Nam cho biết, trong tuần sẽ họp lại, làm thông báo gửi các hộ dân, tới khi đơn vị thi công sẽ cử lực lượng hỗ trợ, đảm bảo chấp hành việc đóng tạm lối đi số 4, đảm bảo an toàn cho người dân.

* Nam Ô nằm gần chân núi Hải Vân, gắn với truyền thuyết vượt Ải Vân khai hoang lập làng của những bậc tiền nhân từ 700 năm trước. Người trong làng hầu hết đều đi biển. Những con cá tươi ngon được dân làng làm mắm, tạo lên một thương hiệu làng nghề nước mắm Nam Ô nức tiếng gần xa.

Được biết, sau giải tỏa, làng Nam Ô di rời gần 100 hộ dân đi biển, 60 nhà làm nước mắm không còn cơ sở sản xuất.

Hoàng Nguyên