Theo đó, các đám cháy được phát hiện từ khoảng trưa ngày 18/3, lập tức các cơ quan ban ngành đã tập trung lực lượng để dập lửa. Đến khoảng 3h sáng ngày 19/3 các đám cháy cơ bản đã được khống chế, nhưng lo sợ gió mạnh sẽ thổi bùng lại ngọn lửa nên đến sáng và trưa nay hàng trăm người (với cuốc, xẻng, bình phun nước…) vẫn đang miệt mài dập tắt các tồn dư của đám cháy.
Người dân tích cực dập lửa đề phòng đám cháy bùng phát trở lại
Trước đó, sau khi nhận được báo cáo, lãnh đạo Huyện ủy cũng như UBND huyện Đăk Đoa đã có mặt chỉ đạo sát sao việc khống chế ngọn lửa, đồng thời giao các cơ quan chức năng khẩn trương xác định nguyên nhân vụ việc.
Theo ước lượng ban đầu, diện tích rừng bị cháy trải dài rơi vào khoảng gần 10 hecta, không ảnh hưởng lớn đến những cây rừng có đường kính lớn. Ngoài ra, đường dây điện thoại của Viettel cũng bị đứt một số nơi do lửa bén lên nhưng đã được khắc phục.
Lãnh đạo Ban quản lý rừng Phòng hộ Đăk Đoa cho biết: “Đây không phải là cháy rừng, mà là cháy đất nông nghiệp của người dân canh tác hoa màu. Vị trí xảy ra vụ cháy thuộc Ban quản lý và UBND xã?”.
Ngược lại, theo một nguồn tin khác, đa phần diện tích bị cháy chủ yếu nằm trong lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý. Hiện công tác kiểm đếm diện tích rừng bị cháy vẫn đang được các lực lượng chức năng tiến hành đo đạc. Nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.
Hàng chục ha rừng tại Đăk Đoa đã bị cháy
Trước đó, vào tháng 1/2019 tại hai tiểu khu 412 và 407, lâm phần thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý, thuộc xã Hà Đông (Đăk Đoa) cũng đã xảy ra hiện tượng cháy gần 20 hecta rừng thông và rẫy của người dân.
Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang trong đợt cao điểm về khô hạn. Việc bảo vệ, cũng như phòng chống cháy rừng được các ban ngành nêu cao cảnh giác.
Vậy nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, mà ở một địa phương lại xảy ra hai vụ cháy rừng trên diện rộng thì cần phải xem xét lại công tác phòng chống cháy rừng, cũng như trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.
Kim Yến