Cục trưởng, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong.

An toàn thực phẩm luôn là mối lo thường trực, nỗi trăn trở của toàn xã hội. Cục trưởng đánh giá ra sao về vấn đề này?

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề quan trọng đặc biệt, vừa cấp bách, vừa lâu dài, không những ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển giống nòi, mà còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, XNK hàng hóa, phát triển du lịch, thương mại và uy tín quốc gia.

Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành luật, chỉ thị; sự nỗ lực của các bộ, ngành, UBND các cấp.

Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, chủ động đánh giá nguy cơ, hạn chế dàn trải; đồng bộ tại các cấp, các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm, công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ATTP; kết hợp giữa tuyên truyền mang tính chất khuyến khích, hướng dẫn song hành với phổ biến pháp luật, công khai vi phạm mang tính răn đe… Điều đó, đã phát huy hiệu quả công tác truyền thông về ATTP.

Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng lên; nguyên vật liệu đưa vào trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm ngày càng được đảm bảo. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đảm bảo ATTP tại các sự kiện, hội nghị lớn của quốc gia.

Kết quả rõ nét, thể hiện trong những năm gần đây: Việt Nam, từ quốc gia NK thành quốc gia XK lương thực, hàng hóa thực phẩm vào được cả các thị trường khó tính như EU, Nhật bản, Mỹ, Hàn Quốc… 

Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; đã có 1.668 chuỗi được kiểm soát, 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP; 16.991 ha diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.

Vậy, đâu là những khó khăn, vướng mắc trong công tác này?

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn tồn tại một số vấn đề dưới đây.

Năng lực phân tích các hóa chất, thành phần trong thực phẩm của các đơn vị phân tích còn hạn chế; thiếu quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chế biến từ nông sản, vì thế thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả về chất lượng.

Công tác quản lý ATTP ở phường, xã, thị trấn còn gặp nhiều hạn chế, do nhân sự phụ trách về công tác ATTP chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn  thiếu quyết liệt và chưa thường xuyên.

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân cư, gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và không đảm bảo vệ sinh ATTP. Việc NK, sản xuất vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, vận chuyển thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn: Do người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm nông sản an toàn; kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn còn yếu, thiếu sức cạnh tranh; số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn còn hạn chế; thiếu cơ sở hạ tầng từ sản xuất đến sơ chế.

Công tác tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gặp khó khăn, do không có kho lạnh để bảo quản, xử lý tang vật vi phạm là hàng thực phẩm. Kinh phí cho công tác tiêu hủy thực phẩm không an toàn (động vật mang dịch bệnh, hàng hóa không an toàn...), thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng còn thiếu, làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, ngộ độc rượu, diễn biến vẫn phức tạp.

Để làm tốt hơn công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, Cục ATTP có những kế hoạch cụ thể như thế nào trong thời gian tới?

Luật ATTP và NĐ số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP - đã phân công rõ trách nhiệm quản lý ATTP; bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành; bảo đảm nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời giảm thiểu việc bỏ trống trong quản lý ATTP.

Để làm tốt hơn công tác đảm bảo ATTP, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công quản lý về ATTP, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý ATTP, rà soát xây dựng Dự án Luật ATTP (sửa đổi); tiếp tục tổng hợp kiến nghị, đánh giá 4 năm thực hiện NĐ số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, khi đủ cơ sở sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định;

Triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP, Chỉ thị số 17-CT/TTg ngày 13/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới;

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP; thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, ATTP;

Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trường học;

Tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống Labo kiểm nghiệm ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến; tiếp tục phối hợp với MTTQ và đoàn thể các cấp trong vận động, giám sát thực hiện pháp luật về ATTP;

Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là cấp cơ sở; đề cao trách nhiệm của DN, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm;

Tăng cường công tác thanh tra, quản lý chặt chẽ việc quảng cáo kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về ATTP, trước hết là trong nội bộ các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường…

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Thanh Hà (thực hiện)