5 nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, về cơ sở pháp lý, bám sát chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sau 3 năm thực hiện Quyết định số 956/QĐ-TTg đã bộc lộ một số nội dung bất cập cần sửa đổi, điều chỉnh, như loại hình tổ chức hoạt động chưa được xác định cụ thể; chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chưa quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng, Ủy viên Hội đồng, ban chuyên môn giúp việc;..
Theo đó, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng (thay thế Quyết định số 956/QĐ-TTg) gồm 5 điều, trong đó xác định Hội đồng là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng đặt tại Hà Nội.
Về kinh phí hoạt động, trong giai đoạn đầu (dự kiến 5 năm), kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp trong dự toán ngân sách Nhà nước của Bộ Y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Sau khi ổn định tổ chức, hoạt động và có nguồn thu, Hội đồng từng bước bảo đảm kinh phí hoạt động...
Hội đồng có 5 nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; ban hành công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hội đồng có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nghị, khiếu nại, hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh gia năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, cơ sở y tế, trường đại học y khoa… tập trung trao đổi, thảo luận về mô hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng trong mối quan hệ với các cơ sở đào tạo y khoa, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; phương thức tổ chức các kỳ thi đánh giá…
Đề xuất phân cấp cho các bệnh viện và cơ sở y tế bởi "không đâu sát bằng các đơn vị sử dụng lao động", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Có thể có những kỳ thi chung kiểm tra kiến thức bằng các bộ công cụ, không tốn kém. Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi này phải đánh giá kỹ năng, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, nên cần phân cấp mạnh mẽ xuống các bệnh viện, cơ sở y tế. Khi đó, hội đồng chuyên môn thẩm định từ các cơ sở y tế đưa lên, tập hợp lại để xét duyệt khâu cuối cùng".
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu và quy định cụ thể hơn về việc chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với từng chức danh tại các thời điểm theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam… cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội đồng là chỉ đạo, tổ chức xây dựng bộ công cụ đánh giá chuẩn năng lực chung cho cả nước, huy động sự tham gia của các trường đại học y khoa, bệnh viện đầu ngành, hội nghề nghiệp... Việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực (lý thuyết, thực hành) cần linh hoạt, tổ chức tại các trường đại học, bệnh viện đáp ứng được yêu cầu cơ sở vật chất.
Hình thành hệ thống đánh giá chất lượng nhân lực y tế trên cả nước
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023 đã thể chế hóa chủ trương, chính sách mang tính đổi mới, đột phá trong lĩnh vực y tế. Trong đó, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trong đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế, hài hòa với đặc thù của Việt Nam. Do đó, cần điều chỉnh quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng.
Với yêu cầu hoạt động thực chất, hiệu quả, đơn giản, Phó thủ tướng đề nghị Hội đồng xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá chuẩn mực, khả thi, phù hợp với hệ thống y tế Việt Nam; quy trình, thủ tục tiếp nhận, công nhận tiêu chuẩn đánh giá quốc tế; kết hợp giữa các kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia và phân cấp cho các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; quy trình đánh giá các trường hợp đặc biệt; phân cấp… bảo đảm khoa học, chặt chẽ, nhưng có độ mở, linh hoạt.
Bên cạnh đó, Hội đồng cần khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các trường đại học y khoa, bệnh viện... đủ điều kiện tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cả về lý thuyết và thực hành, theo hướng hình thành hệ thống đánh giá chất lượng nhân lực y tế trên cả nước, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế không phải đi xa, tập trung ở các thành phố lớn.
Phó thủ tướng cũng lưu ý, khi thành lập các hội đồng đánh giá năng lực người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có sự tham gia của đại diện cơ sở thực hành, cơ sở đào tạo, hiệp hội, cơ quan quản lý…; giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ thống nhất mô hình tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách... của Hội đồng.
PV (Nguồn chinhphu.vn)