Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để rà soát, đánh giá kết quả đã đạt được trong hơn một năm qua, chỉ ra các bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; thống nhất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh sau khi các luật mới vừa được ban hành.

HoREA cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần khắc phục.

Chẳng hạn Khoản 1, Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Điểm b Khoản 1, Khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định doanh nghiệp chỉ được "thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở", hoặc "đang có quyền sử dụng đất ở" hoặc "đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác" để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

"Giải pháp khắc phục là rất cần thiết xây dựng dự thảo "Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất khác theo quy định của luật", ông Châu nêu quan điểm.

HoREA cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần khắc phục. (Ảnh minh hoạ)
HoREA cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần khắc phục. (Ảnh minh hoạ)

Chủ tịch HoREA dẫn chứng, TP.HCM có khoảng 20 dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có quyền sử dụng "đất khác không phải là đất ở" (chiếm khoảng 15% tổng số dự án nhà ở thương mại trên địa bàn) nên không được công nhận chủ đầu tư.

Điển hình, Công ty bất động sản V mua đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu tại Ngân hàng thương mại Q là khu đất nhà xưởng tại huyện Bình Chánh có diện tích 3.219 m2 thuộc khu vực được quy hoạch phát triển nhà cao tầng theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng, điều "oái oăm" là Công ty V không có nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp và cũng không thể đầu tư sản xuất công nghiệp vì không phù hợp với quy hoạch (mới) đã được phê duyệt, nhưng Công ty V cũng không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chung cư cao tầng, do Công ty V đang có quyền sử dụng "đất khác không phải là đất ở" theo hiện trạng sử dụng đất.

Ngoài ra, cũng có nhiều bất cập, vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở do một số quy định của văn bản dưới luật.

Chẳng hạn về thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" do điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định; bất cập về "xử lý chuyển tiếp" về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dành một phần quỹ đất (quỹ đất 20%) của dự án để phát triển nhà ở xã hội...

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.

Hiện việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản tuy có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ như một số địa phương chưa thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định; việc giải quyết khó khăn chủ yếu dừng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên quan xem xét và chưa có kết quả cụ thể dù tổ công tác đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc.

Bên cạnh đó, tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.

Chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.

Chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất...

Chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

Theo HoREA, giữa năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết trong cả nước đã có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Trong đó, riêng TP.HCM có hơn 148 dự án bị không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, nhờ hoạt động tích cực của Tổ công tác của Chính phủ và nhất là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của các địa phương, cùng với nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở và các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, các trái chủ. Đến nay, cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở. Riêng TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 30% trong tổng số 148 dự án.

Phương Thảo(t/h)