Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Luật bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Chỉ thị 120/CT-HNB về tổ chức học tập, thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Ngày nay, rất nhiều yếu tố tác động đến việc giữ gìn, rèn luyện đạo đức của người làm báo.
Quy định về đạo đức của phóng viên, nhà báo (sau đây gọi chung PV) - là cẩm nang để mỗi người làm báo dựa vào và tuân thủ. Việc rèn luyện đạo đức của người làm báo, phụ thuộc trước hết vào ý thức của mỗi phóng viên. Ý thức quyền lực, cần đi liền với ý thức trách nhiệm của người làm báo. Phóng viên cần luôn biết “sợ” mỗi khi cầm bút. Đó là nỗi sợ về ý thức trách nhiệm, nỗi sợ để giúp nhà báo trả lời chính xác các câu hỏi luôn đặt ra cho mỗi người làm báo “Viết cho ai?”, “Viết để làm gi?”.
Đạo đức là cốt lõi, là nền tảng của báo chí. Nếu thiếu đạo đức, không chính trực, người làm báo sẽ dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, sẽ quyết định chất lượng tác phẩm báo chí, quyết định cả tư thế và đóng góp của phóng viên đó với xã hội…
Bên cạnh những ưu thế và thành tựu đạt được, thì những năm qua, báo chí nước ta còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Hiện tượng thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc sự lợi hại, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và các tệ nạn xã hội trên trang nhất; thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ, mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của Nhân dân; khuynh hướng thương mại hóa báo chí có xu hướng gia tăng; vẫn có những phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và bị xử lý hình sự.
Còn có tình trạng nặng về khai thác vụ việc tiêu cực, thiên về chức năng phê phán, đôi khi phê phán thiếu tính xây dựng, nhẹ về thực hiện chức năng biểu dương; thiếu một cái nhìn toàn diện và nhân văn, thiếu tính phát hiện, cổ vũ, tôn vinh kịp thời cái hay, cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống, vừa làm cho bức tranh xã hội bị bóp méo, vừa không động viên được người tốt, việc tốt và xa hơn nữa, làm cho thế hệ trẻ mất niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp thực sự vẫn đang hiện diện trong xã hội.
Trong bối cảnh này, người làm báo cần có trách nhiệm đảm bảo thông tin được cung cấp là đáng tin cậy và có giá trị, giúp người đọc phân biệt được sự thật và thông tin sai lệch. Đối với người làm báo, việc tự học, tự rèn luyện - là quá trình không bao giờ được ngừng lại. Tính chính trực trong nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Khi người làm báo không chính trực, thì chắc chắn ngòi bút sẽ bị bẻ cong. Phục vụ lợi ích của cộng đồng, đất nước, Nhân dân - là lý tưởng cao quý của nghề báo.
Có thể nói, xu hướng chủ đạo của báo chí hiện nay vẫn là tích cực, góp phần lan tỏa năng lượng tốt, bồi đắp niềm tin xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tinh thần, truyền thống cao quý của dân tộc.
Nâng cao đạo đức người làm báo
Những người làm báo, cần kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, đặc biệt là mục tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Người làm báo, cần đấu tranh bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của nhà nước XHCN; có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các thành tố trong hệ thống chính trị và Nhân dân; phát hiện - kịp thời chỉ rõ những tư tưởng, văn hóa xấu độc xâm nhập vào Việt Nam...
Để làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, nhà báo cách mạng và hệ thống thông tin đại chúng nói chung, phải đủ mạnh mới có thể thực hiện tốt các yêu cầu đề ra. Muốn vậy, lực lượng nòng cốt, đội quân chủ lực và tiên phong là đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cần phải được giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
phẩm chất đạo đức, trình độ nghề nghiệp của người làm báo - là một việc rất quan trọng và cấp bách hiện nay.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi phóng viên cần có lập trường kiên định, vững vàng trong mọi điều kiện; trước hết là ý thức và bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng. Đó là ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; kiên quyết chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Đó là cơ sở cốt lõi để mỗi phóng viên tự mình phấn đấu vượt lên, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng. Mỗi cán bộ, chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của người làm báo trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của Nhân dân.
Việc nâng cao trách nhiệm xã hội của phóng viên là vô cùng quan trọng. Muốn đạt được điều đó, phóng viên cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, không được lệch lạc, hoặc biến thật thành giả, không thể bị chi phối bởi áp lực hoặc ảnh hưởng từ các lợi ích cá nhân, hoặc nhóm lợi ích cụ thể. Phóng viên nên cung cấp thông tin đa chiều, đảm bảo các quan điểm khác nhau được phản ánh một cách công bằng và không thiên vị.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn trọng quyền riêng tư và không xâm phạm đời tư của cá nhân, trừ trường hợp có sự chấp thuận hoặc khi có lợi ích công cộng quan trọng. Phóng viên nhất thiết phải kiểm chứng thông tin, trước khi công bố và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin mình đăng tải; sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy và đưa ra tham khảo rõ ràng để người đọc có thể xác thực và kiểm tra thông tin; tránh phân biệt đối xử dựa trên giới tính, sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, giai cấp, hoặc bất kỳ yếu tố nào khác để bảo đảm rằng, các quan điểm và giọng điệu đa dạng được đại diện và phản ánh trong nội dung của mình.
Phóng viên cần xây dựng một mối quan hệ tín nhiệm và tương tác tích cực với công chúng. Họ nên lắng nghe ý kiến và phản hồi từ độc giả, đối tác và các bên liên quan khác, xử lý một cách đúng đắn các ý kiến trái chiều.
Nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phát huy thành tựu vẻ vang của báo chí cách mạng, giương cao ngọn cờ tư tưởng là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa và tư tưởng của Đảng; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, biến những chuẩn mực đạo đức báo chí thành lẽ sống và hành động hằng ngày của người làm báo…
Tiêu chuẩn đạo đức - là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của nhà báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Bởi đạo đức báo chí, không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của Luật Báo chí hiện hành, mà còn là ý thức, trách nhiệm và phương châm hành nghề của những người làm báo. Đạo đức - vai trò rất quan trọng.
Hà Trần