Bị cắt nguồn cung cấp linh kiện từ Mỹ, ZTE phải ngừng hầu hết các hoạt động chính - Ảnh: Reuters.
Hãng tin Reuters cho biết, theo thỏa thuận trên, ZTE sẽ thay Hội đồng Quản trị và bộ máy điều hành trong vòng 30 ngày, nộp 1 tỷ USD tiền phạt và 400 triệu USD giao kèo để phòng trường hợp công ty không tuân thủ đúng thỏa thuận. Nếu vi phạm, ZTE sẽ bị Chính phủ Mỹ thu số tiền 400 triệu USD này.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng quy định nếu ZTE có vi phạm trong tương lai, thì lệnh trừng phạt kéo dài 10 năm sẽ được Mỹ áp lên công ty này.
Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ ban lệnh cấm các công ty nước này cung cấp linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Đây là lệnh trừng phạt liên quan đến việc ZTE vận chuyển trái phép hàng hóa đến Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia này.
Bị cắt nguồn cung cấp linh kiện từ Mỹ, ZTE phải ngừng hầu hết các hoạt động chính.
Theo thỏa thuận nói trên, ZTE cũng phải duy trì một nhóm giám sát tuân thủ do Bộ Thương mại Mỹ chỉ định trong vòng 10 năm để theo dõi xem công ty có thực hiện đúng những gì đã cam kết hay không.
"Chúng tôi sẽ giám sát chặt hành vi của ZTE", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố. "Nếu họ có vi phạm trong tương lai, chúng tôi có thể cấm họ tiếp cận với công nghệ Mỹ, và thu số tiền giao kèo 400 triệu USD".
ZTE và Chính phủ Mỹ đạt thỏa thuận được xem là một bước tiến tích cực nữa trong việc xuống thang căng thẳng thương mại Trung-Mỹ. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã đề xuất mua thêm 25 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ Mỹ, từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đã chỉ trích mạnh thỏa thuận trên và tuyên bố sẽ chặn thỏa thuận.
"Tôi dám chắc 100% rằng ZTE là một mối đe dọa an ninh quốc gia lớn hơn nhiều so với thép từ Argentina và châu Âu", thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio viết trên mạng xã hội Twitter kèm hashtag #VeryBadDeal (một thỏa thuận rất tồi).
Nghị sỹ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện, gọi thỏa thuận này là "sự thay đổi 180 độ từ lời hứa của Tổng thống về cứng rắn với Trung Quốc".
Nguồn thạo tin nói rằng thỏa thuận giữa ZTE và Chính phủ Mỹ sẽ chỉ có hiệu lực sau khi ZTE nộp đủ 1,4 tỷ USD, và việc này có thể phải mất vài ngày mới hoàn tất.
Mặc dù vậy, cổ phiếu của nhiều công ty Mỹ là đối tác của ZTE đã tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Cổ phiếu Qualcomm tăng tới 4,7%, trong khi cổ phiếu NXP tăng tới 6,7%.
Theo Vneconomy