'Made in China 2025' và cuộc chiến của ông Donald Trump - Hình 1

Ảnh: Daily Star

Động thái mới nhất từ hai bên

Những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào nhiều đối tác, nhưng nhằm nhiều nhất vào Trung Quốc.

Trong chuyện này, những cáo buộc của Mỹ về Trung Quốc cũng nặng nề và đa dạng hơn. Phía Mỹ dùng những cáo buộc ấy để giải thích vì sao Mỹ suốt thời gian dài ở trong tình trạng bị nhập siêu trầm trọng từ Trung Quốc.

Ông Trump áp thuế quan bảo hộ đối với sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ không chỉ đối với sản phẩm thép và nhôm, mà còn đối với cả nhiều hàng hoá khác nữa của Trung Quốc với giá trị tổng cộng lên tới 150 tỷ USD.

Ông Trump đòi Trung Quốc phải giảm ít nhất 100 tỷ USD trong xuất siêu hiện tại - tức là bằng gần một phần ba - vào thị trường Mỹ.

Đương nhiên là Bắc Kinh không bao giờ chịu chấp nhận yêu sách của ông Trump vì lý do thể diện quốc gia và vì lợi ích thiết thực hiện tại cũng như lâu dài nên Trung Quốc sẽ phải trả đũa Mỹ ở mức độ tương ứng.

Cứ không ai chịu ai như thế thì bờ vực của chiến tranh thương mại sẽ cách họ không còn bao xa.

Trong bối cảnh tình hình ấy, ông Trump cử một phái đoàn kinh tế và thương mại cao cấp sang Trung Quốc. Trước đây, ông đã từng phát ngôn đại ý rằng chiến tranh thương mại là chuyện hay và dễ chiến thắng.

Bây giờ, ông Trump tỏ ra làm rất găng với Trung Quốc về kinh tế và thương mại, nhưng đồng thời lại đề cao Trung Quốc và cá nhân chủ tịch Tập Cận Bình, ngỏ ý muốn sớm gặp ông Tập Cận Bình.

Tại diễn đàn mới đây ở Bác Ngao, ông Tập bất ngờ tuyên cáo nhiều biện pháp chính sách kinh tế mới của Trung Quốc theo hướng mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với đầu tư nước ngoài...

Đằng sau lời đe dọa

Tất cả những điều này đều cho thấy Mỹ và Trung Quốc doạ nhau thôi chứ không dám áp dụng những biện pháp chính sách đã đưa ra bởi đều muốn tránh xô đẩy nhau đến chiến tranh thương mại.

Có thể thấy điều này ở những biểu hiện sau nữa từ hai phía.

Ông Trump cử sang Trung Quốc phái đoàn bao gồm tất cả những cộng sự thân cận nhất và quan trọng nhất về kinh tế và thương mại của mình: Bộ trưởng Tài chính Mnuchin, Bộ trưởng thương mại Ross, đặc phái viên về thương mại Lighthizer và hai cố vấn kinh tế Navarro và Kudlow.

Trong khi đó, các đối tác khác phải lặn lội sang Mỹ để thuyết phục ông Trump hoặc đàm phán với cộng sự của ông Trump. Cách thức xử lý chuyện này cũng cho thấy ông Trump đối xử Trung Quốc khác.

'Made in China 2025' và cuộc chiến của ông Donald Trump - Hình 2

Ông Trump áp thuế quan bảo hộ đối với sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ không chỉ đối với sản phẩm thép và nhôm. Ảnh minh họa: VOA

 Với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ nói chung, phía Mỹ đưa ra cho họ chọn lựa giữa bị áp thuế quan bảo hộ hoặc chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu vào Mỹ.

Argentina chọn hạn ngạch xuất khẩu vào Mỹ. Brazil và Australia chưa đi đến thoả thuận cuối cùng nhưng nhiều khả năng chấp nhận bị áp thuế quan bảo hộ. EU bị Mỹ đưa ra tối hậu thư là sẽ bị áp thuế quan bảo hộ nếu không đáp ứng điều kiện và yêu cầu của Mỹ.

Những đối tác đã có thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do với Mỹ thì Mỹ đòi đàm phán lại.

Hàn Quốc đã chọn cách thức này. Canada và Mexico đang đàm phán lại với Mỹ về Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Trung Quốc là đối tác duy nhất cho tới nay mà phía Mỹ chủ động tiến hành thương thảo.

Phía Trung Quốc cũng đã có những động thái rất đáng chú ý như tuyên cáo của ông Tập Cận Bình ở Bác Ngao và trong đàm phán với phái đoàn của Mỹ.

Trung Quốc đã nhất trí với Mỹ là giải quyết những vấn đề vướng mắc về kinh tế và thương mại này thông qua đối thoại và tham vấn, thành lập nhóm làm việc chung để chuyên xử lý chuyện này. 

Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để thấy là cuộc thương thảo vừa rồi của hai bên tuy chưa đưa đến giải pháp cho các vấn đề cần giải quyết nhưng thành công chứ không phải thất bại.

Nhận thức từ đó chỉ có thể là Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau không để xảy ra chiến tranh thương mại.

"Made in China 2025"

Thật ra, chuyện xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là biểu hiện bề ngoài của cuộc tranh đấu còn sâu rộng, bao trùm và nan giải hơn nhiều là cuộc cạnh tranh giành vị trí hàng đầu về công nghệ và kỹ thuật trong tương lai.

Mục tiêu đối phó chính của Mỹ, cả với việc mới đây cấm tập đoàn ZTE của Trung Quốc trong thời gian 7 năm nhập khẩu linh kiện từ Mỹ, là đối phó chương trình, có thể coi là chiến lược, "Made in China 2025" của Trung Quốc.

Ở phía các nước công nghiệp phát triển cho tới nay mới chỉ thấy có ở nước Đức chương trình "Công nghiệp 4.0". 

Nhưng cả chương trình này cũng không phải là đối thủ của chương trình "Made in China 2025" của Trung Quốc.

"Công nghiệp 4.0" do giới công nghiệp Đức khởi xướng và thực hiện, lại chỉ nhằm vào công đoạn sản xuất.

"Made in China 2025" do nhà nước Trung Quốc đề ra và tài chi, lại nhằm mục tiêu đưa Trung Quốc đến vị trí hàng đầu thế giới trong 10 lĩnh vực then chốt nhất trong tương lai như áp dụng trí tuệ nhân tạo, người máy, vật liệu mới..., có nghĩa là bao trùm sâu rộng hơn rất nhiều, có ý nghĩa chiến lược hơn rất nhiều.

Vì mục tiêu đối nội, vì thể diện và vì ý thức được rằng doạ nhau thì còn có tác dụng chứ chơi nhau thật sự trên thực tế thì chỉ lợi bất cập hại nên rồi hai bên sẽ có cách riêng để đáp ứng yêu sách của nhau. Vòng đàm phán tiếp theo rồi sẽ nhanh chóng được tiến hành ở Mỹ cho mà xem.

Theo SOHA