Tại chương trình, các đại biểu cho rằng, hiện nay, mua hàng qua mạng là hình thức phổ biến được nhiều người tiêu dùng ưa thích vì tính thuận lợi, tiết kiệm thời gian và để bảo đảm mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, có thể khiếu nại khi gặp vấn đề về chất lượng, các sàn giao dịch thương mại điện tử là sự chọn lựa của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế đã có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng gặp phải vấn đề như bị cửa hàng lừa đảo, đặt hàng hiệu này, giao hàng hiệu khác, thậm chí chỉ giao bao bì không có ruột, hoặc giao sản phẩm không đạt chất lượng, hay hàng hóa giả mạo; nhưng khiếu nại cửa hàng, không được trả lời, khiếu nại với chủ thể tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phủi bỏ trách nhiệm, không giải quyết?.
Trả lời ý kiến của cử tri, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, người tiêu dùng.
“Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thường xuyên, xuyên suốt. Để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, cấp trên giám sát cấp dưới và tuyên truyền để người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Đạt, ngày 29/03 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Việc thực hiện đề án và thực hiện nghiêm các chỉ đạo khác không chỉ góp phần nâng cao năng lực kiểm tra xử lý, còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và chú trọng bảo vệ quyền lợi ích người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp chân chính để bảo vệ và có nền thương mại bình đẳng.
Điều hành chương trình, bà Phạm Quỳnh Anh, Ủy viên của Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, công tác quản lý thị trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế cần được quan tâm khắc phục. Do đó, Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, các sở, ngành liên quan tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về công tác quản lý nhà nước trong quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đề nghị Sở Công Thương quản lý hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải tại địa phương một cách có hiệu quả và thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
Song song, tham mưu UBND TP. Hồ CHí Minh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện công khai thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.
Đề nghị Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 389 thành phố) tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Hoàng Bách