THCLChiều 17/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị khởi động dự án "Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông" (RGEP) với cam kết tài trợ cho vay 77 triệu USD (vốn ODA ưu đãi) và 3 triệu USD (vốn đối ứng) từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam để thực hiện dự án.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu của dự án: "Nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực; nâng cao hiệu quả dạy - học bằng việc biên soạn, thực hiện sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh".

Đầu tư 80 triệu USD hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - Hình 1Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu khởi động dự án

Đây là một dự án trọng điểm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo ở Việt Nam. Hiệp định tài trợ Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới đã được tuyên bố bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/8/2016. Dự án được triển khai trên cả nước từ năm 2015 đến năm 2020.

Ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) cho hay, kết quả đầu ra chính của dự án, gồm 7 nội dung: Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành; Tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân; Bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn được phê duyệt cho phép sử dụng; Học sinh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới; Sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số); Hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng được đưa vào hoạt động; Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và áp dụng.

Dự án bao gồm 4 thành phần, trong đó thành phần “Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí. Thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” chiếm gần 50% kinh phí. 25% còn lại dành cho hai thành phần “Hỗ trợ phát triển chương trình” và “Quản lý dự án”.

Để dự án được triển khai hiệu quả, ngoài Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ban Quản lý dự án, Ban Phát triển chương trình tổng thể, Ban Phát triển chương trình môn học, Các ban biên soạn bộ sách giáo khoa (do Bộ GD&ĐT thực hiện) còn có Hội đồng Tư vấn quốc tế với các chuyên gia giáo dục, kỹ thuật thế giới.

GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông đổi mới này là một bước đi tất yếu và cũng là sứ mạng của chương trình giáo dục phổ thông hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, tiếp thu tiến bộ của thời đại, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Để thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong chương trình, hai triết lý giáo dục được dự án lấy làm nền tảng gồm: Thực học - thực nghiệp (Học đi đôi với hành, Lý luận gắn với thực tiễn, Phân luồng và hướng nghiệp) và Dân chủ (Lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập; Kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; Chương trình mở bảo đảm quyền tự chủ sáng tạo của người học, địa phương và không gian sáng tạo cho người viết sách cũng như giáo viên).

Đặc biệt, theo GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, chương trình này sẽ hướng đến xây dựng chân dung của người công dân Việt Nam mới. Theo đó, học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ đạt được những Phẩm chất (Nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm) và Năng lực cốt lõi (gồm Năng lực chung như tự chủ, hợp tác, sáng tạo; Năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất; Năng lực chuyên biệt thể hiện ở năng khiếu riêng của từng học sinh) để có thể sẵn sàng học tập ở trình độ cao hơn hoặc sẵn sàng cho các yêu cầu việc làm trong thế kỷ XXI.

PV