Kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 26/2016/QH14, sau đó được điều chỉnh tại Nghị quyết 71/2018/QH14 với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Chính phủ đã thực hiện tương đối tốt định hướng ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn NSNN cho các vùng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, các đối tượng chính sách. Kỷ luật, kỷ cương tài chính về ĐTC được tăng cường.

Công tác quản lý ĐTC chuyển biến tích cực, tính công khai, minh bạch, hiệu quả đã được cải thiện. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Tuy nhiên qua thực hiện cho thấy, tỷ lệ chi đầu tư giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương có xu hướng giảm dần qua các năm, điều này cho thấy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa được bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tiến độ của một số dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chậm, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả vốn đầu tư, có dự án vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự…

Liên quan đến Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, qua tổng hợp, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ĐTC theo hướng giảm tỷ trọng vốn ĐTC trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công-tư (PPP), giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Chính phủ xác định, việc đầu tư tới đây cần có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng miền.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ĐTC. Về mục tiêu, định hướng, nguyên tắc xây dựng Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cần tuân thủ, bảo đảm phù hợp với các Nghị quyết của Đảng trong giai đoạn tới; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật về ngân sách và ĐTC; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, cần dự báo tình hình tác động của dịch Covid-19 và những thách thức khó khăn của kinh tế thế giới.

Bám sát quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ĐTC, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2016-2020. Chú trọng nguồn lực cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia cần rà soát, tránh trùng lặp đối tượng, địa bàn, nội dung chính.

Hoan Nguyễn