Đầu tư tại Triều Tiên: cơ hội hay rủi ro? - Hình 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến một cơ sở sản xuất mỹ phẩm ở Triều Tiên

Tiềm năng phát triển

Chỉ trong vài tháng trở lại đây, hình ảnh của Triều Tiên đã được cải thiện sau hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với một số nhà lãnh đạo và giới ngoại giao quốc tế. Cởi mở và thân thiện hơn, Triều Tiên cũng cho dư luận thế giới thấy rằng, nước này đang nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế và giữ vững ổn định chính trị. Giáp biên giới với 2 “đầu tàu” kinh tế của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc, còn bên kia bờ biển là Nhật Bản, Triều Tiên đang ở vị trí đắc địa để có thể hưởng lợi từ quan hệ ngoại thương với các láng giềng Đông Bắc Á. Ngoài nhu cầu xây dựng mới hàng loạt cơ sở hạ tầng từ giao thông, năng lượng, mạng lưới thông tin liên lạc, Triều Tiên còn được cho là đang sở hữu một gia tài khoáng sản khổng lồ, bao gồm các kim loại quý như vàng, quặng sắt, đồng, kẽm và than chì. Trữ lượng  khoáng sản ở Bình Nhưỡng thậm chí còn được cho là lớn nhất thế giới, với tổng trị giá khoảng 6.000 - 10.000 tỷ USD.

Vốn là đối tác truyền thống của Triều Tiên, doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đến Triều Tiên nhanh hơn các đối tác khác. Mới đây, thông qua Hội chợ Thương mại quốc tế mùa Xuân Bình Nhưỡng, khoảng 200 công ty Trung Quốc đổ về Triều Tiên để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế và đầu tư.  Hội chợ thương mại Bình Nhưỡng là một trong các sự kiện quốc tế lớn nhất ở Triều Tiên. Năm nay, sự kiện đã thu hút sự tham gia của 260 công ty đến từ 15 quốc gia, trong đó công ty của Trung Quốc chiếm 70%. 200 công ty trên đã thảo luận hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước của Triều Tiên trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, điện tử, máy móc, xây dựng, thực phẩm, nhu yếu phẩm và tưới tiêu. Làn sóng này diễn ra khi có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng trừng phạt Triều Tiên để đổi lại các cam kết phi hạt nhân hóa của nước này. Chỉ trong 3 tháng qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức tái thiết nền kinh tế Triều Tiên bên cạnh tiến hành phi hạt nhân hóa. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Triều Tiên trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.

Trong khi đó, vào tháng 5 năm nay, một phái đoàn cấp cao Triều Tiên đã có chuyến thăm đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, giới chức Triều Tiên đã thảo luận hợp tác với các quan chức thành phố Thượng Hải và tỉnh Sơn Tây. Thông tin đang gây chú ý là hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên được cho là đang nỗ lực mở một đường bay mới nối Bình Nhưỡng với thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Sơn Tây vào tháng 7 tới để thu hút du khách Trung Quốc tới Triều Tiên. 

Ngoài Trung Quốc, các tập đoàn công nghiệp lớn ở Hàn Quốc đã chuẩn bị kế hoạch hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc cho biết, có thể hỗ trợ cho vay vốn để đảm bảo rằng các doanh nghiệp toàn cầu có thể được thành lập ở Triều Tiên, đồng thời cam kết giúp các doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong các dự án xuyên biên giới. Các dự án kinh tế liên Triều sẽ bắt đầu khi các điều kiện được đáp ứng, bao gồm cả việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Mỹ và các nước châu Âu được dự báo có thể đổ đến Triều Tiên trong thời gian tới. Khi tiến trình phi hạt nhân hóa bắt đầu được khởi động và các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Triều Tiên có thể mở cửa cho thương mại toàn cầu và giới chuyên gia tin rằng, khi đó nền kinh tế của nước này có thể thực sự cất cánh.

 Đầu tư tại Triều Tiên: cơ hội hay rủi ro? - Hình 2

Xe tải chở hàng hóa ở biên giới Trung Quốc - Triều Tiên

Chặng đường dài 

Tại các cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn hiện nằm ở việc Triều Tiên đang phải đối mặt với các trừng phạt của Liên hiệp quốc và lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, vốn ngăn cản dòng vốn đầu tư từ bên ngoài đổ vào Triều Tiên. Quy định do Mỹ đặt ra cũng khiến các ngân hàng quốc tế tránh thực hiện các giao dịch với Triều Tiên. Ngay cả khi những rào cản trên được dỡ bỏ, vẫn còn những thách thức lớn đặt ra cho các nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Triều Tiên. Cơ sở hạ tầng tại quốc gia Đông Bắc Á này vẫn còn nghèo nàn và chưa có hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ giới đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tiến trình phi hạt nhân hóa có thể phải mất nhiều năm. Câu chuyện của những doanh nghiệp nước ngoài từng mở các cơ sở hoạt động tại Triều Tiên cũng cho thấy, việc đầu tư vào quốc gia này không phải là tiến trình đơn giản. Lý do nằm ở luật lệ có thể bị thay đổi và nguy cơ bị tịch thu tài sản nếu quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và các đối tác rơi vào căng thẳng. Đây là những thách thức khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra băn khoăn khi quyết định rót vốn vào môi trường kinh doanh tại Triều Tiên. Trong giai đoạn nỗ lực xích lại gần Triều Tiên, với chính sách Ánh dương của chính quyền cựu Tổng thống Kim Dae - jung trong cuối thập niên 1990, tập đoàn Hyundai đã đổ hàng trăm triệu USD vào dự án khu du lịch núi Kumgang nổi tiếng của Triều Tiên. Thế nhưng thực tế đã cho thấy, hoạt động của dự án này phụ thuộc vào nhiệt độ nóng lạnh của quan hệ liên Triều. Nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra ở khu du lịch biểu tượng hòa dịu giữa hai miền này. Rồi đến dự án khu công nghiệp Kaesong do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư nằm bên đường biên giới phía Triều Tiên. Dù mang lại thu nhập ngoại tệ không nhỏ cho Triều Tiên, nhưng khu công nghiệp Kaesong vẫn bị đóng cửa vào năm 2016 do căng thẳng về chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Nhà kinh tế học Gareth Leather, thuộc cơ quan nghiên cứu Capital Economics (Anh) nhận định, Triều Tiên có một số lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thì vẫn còn cả một chặng đường dài để Triều Tiên có được một nền kinh tế bình thường với môi trường đầu tư ổn định và cởi mở hơn. Theo New York Times, mặc dù từng bày tỏ mong muốn về các khoản đầu tư nước ngoài và triển vọng phát triển du lịch, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nhấn mạnh rằng, ông muốn duy trì sự độc lập của nền kinh tế Triều Tiên. Đây chính là kết quả của hệ tư tưởng “tự lực cánh sinh” tồn tại ở Triều Tiên trong suốt nhiều năm. Triều Tiên muốn nhận được các lợi ích về kinh tế theo điều kiện riêng để tránh sự phụ thuộc.

 Theo SGGP