Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cần có cơ quan đặc biệt chuyên rà soát và đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có, các quy định chống dịch trái Nghị quyết 128/NQ-CP của các địa phương, vừa bảo đảm chống dịch, khôi phục kinh tế cũng như thu hút đầu tư FDI trở lại.

Thực thi chính sách chưa đồng bộ

Từ đầu năm đến nay, đã có trên 90.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có gần 10.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập phân tích: "Hầu hết DN ngành gỗ đã sản xuất trở lại với công suất đạt 70 - 80% so trước dịch; lượng lao động quay lại làm việc cũng được khoảng 75%. Hiệp hội và các địa phương đã thường xuyên có hoạt động đối thoại giúp đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất cho DN. Nhờ đó, chỉ số xuất khẩu của ngành tăng dần từ đầu tháng 10 vừa qua. Điều này cho thấy, dù ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, nhưng ngành gỗ đã hồi phục nhanh chóng, có thể đạt được mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho năm 2021."

Tuy nhiên, để ngành gỗ hồi phục như trước dịch còn nhiều việc cần làm. Hiện nay, tỷ lệ công nhân ở các tỉnh đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin chưa nhiều. Đây là nguyên nhân chính khiến người lao động chậm trở lại làm việc, trong khi nhiều địa phương lại có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm. Mặt khác, nhiều tỉnh vẫn thực thi các chính sách khác nhau đối với người nhiễm Covid-19 và F1, F2, gây nguy cơ sụt giảm lao động nếu DN có phát sinh ca nhiễm.

Do đó, theo ông Lập, tình hình lao động có thể phải đến cuối quý I/2022 mới hoàn toàn phục hồi. Lúc đó, cùng với việc phủ vaccine cho 100% số người lao động, cộng thêm các giải pháp chủ động về phòng, chống dịch và mở cửa, phục hồi sản xuất sẽ đồng bộ hơn. DN ngành gỗ kiến nghị, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP, cần có sự thống nhất cơ bản giữa Trung ương và địa phương để DN vừa có thể lo chống dịch vừa chủ động tổ chức sản xuất.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Phùng Anh Tuấn nhận định: Chính sách chống dịch giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp Nghị quyết 128/NQ-CP, khiến nỗ lực mở cửa kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài chưa mang lại hiệu quả. Chính phủ kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục, nhà đầu tư, chuyên gia hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh.

Với sản xuất trong nước, hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh thông suốt. Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phải có cách mở cửa chính sách nhịp nhàng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “chỉ nghe một nửa”, lấy lý do “đặc thù” và “chống dịch” như một số địa phương hiện nay. Cần có cơ quan đặc biệt chuyên rà soát và đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có, các quy định chống dịch trái Nghị quyết 128/NQ-CP của các địa phương, vừa bảo đảm chống dịch, khôi phục kinh tế cũng như thu hút đầu tư FDI trở lại.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI thì, các chính sách hỗ trợ DN dường như chưa nhiều. Nhìn lại năm qua chưa có chính sách mạnh mẽ và bài bản trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nên cần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.

Cho rằng, còn nhiều hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ DN, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chỉ ra quá trình thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ DN vẫn còn một số hạn chế, thách thức như tiến độ triển khai hỗ trợ an sinh xã hội còn chậm (nhất là phần cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương mới giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng - tương đương 6% đến hết tháng 09/2021).

“Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp. Chúng ta đã tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… Do đó, nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh.

Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 xảy ra như một “khách không mời mà đến”, sau khi trải qua 4 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã xác định sẽ chung sống với dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, nếu nhìn lại cả quá trình chống dịch, ngành y tế cả nước, lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đều đã vào cuộc quyết liệt. Chưa có giai đoạn lịch sử nào chúng ta phải tập trung nhiều lực lượng với nhiều giải pháp chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... 

Cái khó của ngân sách Nhà nước đó là làm sao có tiền để chi, vì bình thường đã phải lo cho đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển cho sự nghiệp trong tương lai. Trong thời gian vừa qua, với tư tưởng “khoan thư sức dân”, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp gánh nặng của DN giảm dần.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, có một số giải pháp chính sách cần thực hiện như: Thứ nhất, có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà DN có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan tỏa. Thứ hai, phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để DN có thể thực hiện. Thứ ba, cần tiếp tục kêu gọi DN tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân, trong đó có sự đóng góp của DN.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp sau “mở cửa” đã dần hồi phục. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, do một số địa phương vẫn tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số địa phương cũng chậm ban hành hướng dẫn mới, gây khó khăn cho DN trong phục hồi sản xuất, nhất là các quy định phòng, chống dịch khắt khe đã khiến nhiều DN thiếu lao động.

Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho DN bị đình trệ quá lâu, đã và đang tác động tiêu cực đến hồi phục sản xuất và tăng trưởng kinh tế đất nước. Bộ Công thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu và năng lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ cao nhất các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Đồng thời, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại đã và đang thực hiện để thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh thương mại điện tử, tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ.

Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Trần Đức Nghĩa đưa thông tin, để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bên cạnh việc “phủ” vaccine và nhất quán trong phòng, chống dịch, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho DN, cụ thể là chính sách về tiền tệ để hỗ trợ dòng tiền cho DN. Bên cạnh đó, các chính sách hiện có như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp phải được triển khai hiệu quả hơn nữa.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ với các khó khăn mà DN đang phải đối mặt khi chính sách chống dịch giữa các địa phương chưa liền mạch, thiếu hụt lao động do dịch chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế, thiếu hụt dòng tiền,… "Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án mở cửa dần cho các địa phương và mở cửa quốc tế. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 cũng đang được xây dựng để hướng tới các mục tiêu: Vượt khó; bắt nhịp với các đối tác thế giới; nền tảng hạ tầng, bắt nhịp tăng trưởng thế giới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi số;... và nhiều khoản trong đó là “tiền tươi, thóc thật”. Nguồn lực dù rất khó khăn nhưng hoàn toàn có thể tìm kiếm, huy động được. Quan trọng là đầu tư vào đâu cho hiệu quả, kịp thời, quyết liệt, trúng và đúng", ông Thành khẳng định.

Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Khởi động tháng du lịch, Nghệ An ước đạt 1,05 triệu lượt khách
Khởi động tháng du lịch, Nghệ An ước đạt 1,05 triệu lượt khách

Tháng 4/2024 là tháng khởi động mùa du lịch biển, đồng thời trong tháng có nhiều dịp nghỉ lễ nên lượng khách du lịch đến Nghệ An tăng nhanh. Dự ước trong tháng 4/2024, lượng khách du lịch đạt 1,05 triệu lượt, tăng 16,6%.

VietBank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%
VietBank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

Bộ Công an khen thưởng vụ phá đường dây làm giả thực phẩm chống đột quỵ
Bộ Công an khen thưởng vụ phá đường dây làm giả thực phẩm chống đột quỵ

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an vừa có Thư khen, biểu dương thành tích xuất sắc của các đơn vị, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá thành công đường dây sản xuất, làm giả thực phẩm chức năng chống đột quỵ quy mô lớn.

Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm đáng kể trong năm 2023
Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm đáng kể trong năm 2023

Số liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Mỹ (NCHS) thể hiện, số ca sinh tại nước này đã giảm từ 3.667.758 ca vào năm 2022 xuống còn 3.591.328 vào năm 2023.

Petrosetco (mã PET) không đủ điều kiện tổ chức đại hội đồng cổ đông 2024
Petrosetco (mã PET) không đủ điều kiện tổ chức đại hội đồng cổ đông 2024

Sáng ngày 26/4, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024 của Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (mã PET) đã không đủ điều kiện tổ chức. Theo quy định, PET sẽ tổ chức đại hội lần 2 sau 30 ngày kể từ ngày hôm nay.

Doanh thu của Viettel Global quý I/2024 tăng trưởng ấn tượng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 175%
Doanh thu của Viettel Global quý I/2024 tăng trưởng ấn tượng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 175%

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 đã qua kiểm toán. Theo đó, doanh thu của Viettel Global tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 175% so với cùng kỳ quý I/2023.