Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

“Một tăng, hai giảm, ba bảo đảm” để thích ứng an toàn - kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Theo đó, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ người mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh.

Củng cố y tế cơ sở

Đại dịch Covid-19 để lại tổn thất nặng nề cho nền kinh tế cũng như những mất mát to lớn về con người. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tập trung các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng để không bị động, lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh.

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận, cần thay đổi tư duy trong công tác phòng, chống dịch để đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những hạn chế đã xảy ra.

“Chúng ta phải xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề y tế cơ sở được đưa ra. Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đã 3 khóa và tôi nhớ trong tất cả các khóa đều chỉ có một chỉ tiêu là dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc đầu tư như thế nào cho hệ thống y tế cơ sở không chỉ là giải pháp trước mắt, mà sẽ còn mang tính chiến lược lâu dài, định hướng phát triển cho cả một giai đoạn sắp tới trong tình hình rất nhiều biến động.

Đại biểu đề nghị trong báo cáo của Chính phủ, cần phải bổ sung rõ những giải pháp để tập trung rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình năng lực của hệ thống y tế cơ sở hiện nay, đồng thời có những tổng kết thận trọng, xác định rõ nhiệm vụ, chiến lược của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó, có tính toán trong phân bổ các nguồn lực cho việc đầu tư có trọng điểm, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả.

Theo Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ.  

“Chỉ xét riêng năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế. Và đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố, làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu.

Về hệ thống điều trị, đại dịch Covid-19 như một phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của y tế, bệnh viện. Các bệnh viện chưa bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt vấn đề cơ chế tài chính.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với Covid-19. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể, ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.  

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm một tăng, hai giảm, ba bảo đảm. Cụ thể đó là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ người mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19, bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe tinh thần của người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) lên tiếng, tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với nguyên tắc xuyên suốt, đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, là nhiệm vụ hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển trạng thái nhưng cần tránh tâm lý chủ quan, lúc quá tả, lúc quá hữu.  

“Thực tế cho thấy, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là 2 mặt trận song hành. Việc phục hồi mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch. Ngược lại, nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh. Trong hoàn cảnh đặc biệt, cần chú trọng công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ, chủ động trong phòng, chống dịch chứ không đuổi theo dịch”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc xây dựng triển khai toàn diện, hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở đánh giá tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Trong chiến lược này, vấn đề vaccine vẫn phải coi là trụ cột. Cần tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến thời điểm này, ta đã tiêm được gần 90 triệu liều. Đây là con số rất ấn tượng, khẳng định nỗ lực của ngành y tế. Tuy nhiên, số tiêm đủ 2 mũi vaccine mới chỉ 27,7%, còn rất xa so mục tiêu 70%. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, khi số ca mắc đang có xu hướng tăng, biểu đồ dịch đang chuyển màu, cấp độ nguy cơ của đợt dịch mới đang hiện hữu, các địa phương cần tính toán đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hơn nữa, nhất là ở các địa phương đang bùng phát dịch mạnh thì cần phải bao phủ vaccine càng sớm càng tốt.

Cần dự liệu phương án tiêm vaccine mũi thứ ba và xúc tiến thuốc chữa Covid-19 cho Nhân dân, vì thực tế vaccine chỉ có hiệu quả trong thời gian nhất định mà dịch Covid-19 thì biến đổi không ngừng.

Tăng cường nhân lực cho y tế cơ cở

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, liên quan đến y tế cơ sở, không phải chỉ có vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có những hiểu biết đủ để hoạt động cho tốt cũng là yêu cầu quan trọng để nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.

Từ thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn ĐBQH Sơn La) nêu thực trạng, ở các khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, hệ thống các trạm y tế đang còn thiếu và yếu cả về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm, củng cố ngay hệ thống y tế cơ sở để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, để trạm y tế xã thực sự là nguồn lực quan trọng, là cơ sở vững chắc để xây dựng xã trở thành "pháo đài" thực hiện ngay “4 tại chỗ” khi có dịch bệnh xảy ra.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn cho phù hợp, cùng với việc tổ chức lại, giao thêm nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, xem đây là những “cánh tay nối dài” của trạm y tế các xã vươn đến các bản làng xa xôi, mà chỉ đội ngũ này mới am hiểu địa bàn, phong tục tập quán, tình trạng bệnh tật, sức khỏe của người dân, để việc thực hiện chăm sóc y tế và phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

“Trường hợp nếu dịch Covid-19 xảy ra ở mức cao và trên diện rộng thì cấp trên khó có đủ nguồn lực để tăng cường dập dịch ở vùng này. Mặt khác, nếu đầu tư trạm y tế xã đầy đủ, đồng bộ nhưng đội ngũ y tế thôn bản mà thiếu và yếu thì trạm y tế cũng không phát huy được tối đa hiệu quả”, đại biểu kiến nghị.

Đại dịch Covid-19 cho thấy năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của y tế ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, bộc lộ nhiều bất cập khi đối mặt với dịch bệnh. 

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm, mong muốn Chính phủ có đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó khăn, khó lường, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, đó là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách zero Covid.

Hoan Nguyễn 

Bài liên quan

Tin mới

Nam Định: Trao tặng quà cho các gia đình có trẻ bại não
Nam Định: Trao tặng quà cho các gia đình có trẻ bại não

Sáng 29/3, tại thành phố Nam Định, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định phối hợp với Công ty TNHH Thương mại, Công nghiệp và Truyền thông Blue Việt Nam tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ”, trao tặng quà cho Chi hội Gia đình trẻ bại não tỉnh Nam Định.

Hơn 20% công suất lọc dầu thế giới gặp rủi ro
Hơn 20% công suất lọc dầu thế giới gặp rủi ro

Hơn 1/5 công suất lọc dầu toàn cầu có nguy cơ bị tê liệt do biên lợi nhuận ngành này suy giảm còn áp lực cắt giảm lượng phát thải carbon ngày càng lớn, theo Wood Mackenzie.

Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh: Quý I/2024, xử lý 244 vụ, thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng
Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh: Quý I/2024, xử lý 244 vụ, thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh, trong quý I/2024, đơn vị này đã kiểm tra 249 vụ, xử lý 244 vụ với 261 hành vi; thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng đạt 33,4% kế hoạch năm 2024.

Vĩnh Phúc: Có 283 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Vĩnh Phúc: Có 283 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Tính đến ngày 15/03/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 12 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 2.099 tỷ đồng; cấp giấy phép cho 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 347,13 triệu USD; có 283 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 6,91%, tuy nhiên, có sự gia tăng đáng kể về vốn đăng ký với 3.325 tỷ đồng, tăng 40,73% so với cùng kỳ.

Hà Nội: Thông qua nghị quyết về mức học phí, các khoản thu sử dụng Ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục
Hà Nội: Thông qua nghị quyết về mức học phí, các khoản thu sử dụng Ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục

Sáng 29/3, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội đã thông qua các nghị quyết về mức học phí, các khoản thu, danh mục sự nghiệp công sử dụng Ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo thành phố.

Lên phương án lắp đặt bổ sung camera phạt nguội Vành đai 3
Lên phương án lắp đặt bổ sung camera phạt nguội Vành đai 3

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lên phương án lắp đặt bổ sung camera để xử phạt nguội các hành vi vi phạm trên tuyến đường Vành đai 3.