Cũng vì vấn đề đất đai quá nóng, ngay trước khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dù vào cuối tuần, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì họp với các đia phương thường xuyên có khiếu kiện đông người vượt cấp, chỉ ra thực trạng: trong 100 vụ khiếu kiện thì có đến 95 vụ liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
Đại biểu Cương phân tích, với chính sách khung giá đất mà các tỉnh, thành công bố hàng năm chỉ bằng 10 – 20% giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiêp làm hạ tầng, thực tế nhiều nơi chưa cần làm gì đã lập bản đồ phân nền để bán ra với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến người dân bức xúc đi khiếu kiện khắp nơi.
“Đây cũng là điều dễ hiểu”, ông Cương nói và cho rằng, nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cũng cần nghĩ đến quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi; không giải quyết thoả đáng, đúng mức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội.
“Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống; chưa kể đến việc tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất”, ông Cương nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, công trình công cộng được xã hội đồng tình cao, còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, nhất là thu để giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi cả cơ chế và quy định của pháp luật.
Do đó, Chính phủ cần thiết kế cơ chế để doanh nghiệp phải tự thoả thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất thay các doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án thì phải lấy ý kiến người dân chứ không để tình trạng như một số nơi khi thu hồi đất người dân không biết là có dự án.
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi tương xứng, cuộc sống bình thường của ngươì dân với sự phát triển bền vững của quốc gia.
“Ai cũng biết, đất đai là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, nhưng nhiều năm qua, đất công và cả nhà đất công đang là vấn đề nhức nhối. Những vụ việc nhập nhèm, biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã chứng minh cho thực tế này”, đại biểu Cương nói.
Một tình trạng đáng lo ngại khác được đại biểu Cương nêu ra là vấn đề bồi thường - nôm na là “đổi đất lấy công trình”, đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có đất công ở vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp.
Ông Cương cho rằng, lẽ ra các dự án đổi đất này phải mang lại những công trình giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay công trình phục vụ cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hàng trăm, hàng nghìn hecta đất vàng, đất kim cương của nhà nước và của cả người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài. Đất đai của nhà nước, người dân cứ bị mất dần đi một cách đáng lo ngại.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu quả mang lại từ đất. Có như vậy mới tránh được lửa bùng lên từ đất”, đại biểu Cương kiến nghị.
Hoan Nguyễn