Năm 2018, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với chúng ta.

Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội):  Trong báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 có nhiều giải pháp, nhưng đề nghị nhấn mạnh vào việc sinh viên ra trường không có việc làm, đây là vấn đề rất lớn.

ĐBQH Lê Quân (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Đào tạo giáo dục nghề nghiệp hiện nay còn lãng phí, chi phí đào tạo bình quân cho 1 sinh viên là rất lớn nhưng khi ra trường việc làm chưa đáp ứng, dẫn đến thất nghiệp; trong khi đó nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho tập đoàn lại khan hiếm. 

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Cần đưa chỉ tiêu thất nghiệp, thiếu việc làm lên hàng đầu - Hình 1

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Ảnh Hoan Nguyễn)

Dự kiến 2018 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%. Theo ĐBQHVũ Tiến Lộc, mục tiêu tăng trưởng này là hợp lý. Tuy nhiên, cần chú trọng đến việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng “kép” tức là tăng trưởng nhanh gắn với chất lượng, phát triển bền vững.

Ông Lộc chỉ ra, trong 9 tháng năm 2017 có gần 94.000 DN thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21.000 DN hoạt động trở lại. Tuy nhiên có đến 60% số DN không phát sinh thuế DN (kinh doanh không có lãi). Nếu nhìn vào con số này, cho thấy sự phát triển chưa bền vững.

Về cải cách hành chính (CCHC), mục tiêu giảm 50% các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua CCHC tại các bộ ngành chưa tích cực. Mới chỉ có Bộ Công thương có kế hoạch cắt giảm ĐKKD, chưa đạt được hiệu quả về quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, cần đặt chỉ tiêu công ăn việc làm, thất nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất của phát triển kinh tế-xã hội; cần đánh giá kỹ về lao động ở nông thôn để có biện pháp quản lý hiệu quả.

Hoan Nguyễn - Đoàn Huế