Với tổng diện tích tự nhiên hơn 498.000 ha, TGLX là vùng trọng điểm sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ. Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết UBND 2 tỉnh này đã ký thỏa thuận hợp tác quản lý nước vùng Tứ giác Long Xuyên có sự hỗ trợ của chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) vào năm 2013 với nhiều nội dung xoay quanh vấn đề trên.
Hai tỉnh cùng nhau quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hài hòa và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt của nhân dân.
Vùng TGLX cần được phối hợp về vấn đề sử dụng nước.
Thực tế, các công trình quản lý nước nơi đây gồm: Hệ thống kiểm soát lũ Tha La, Trà Sư và các cống kiểm soát lũ dọc tuyến Quốc lộ N1 từ Châu Đốc đến Hà Tiên; hệ thống kiểm soát lũ ven sông Hậu; đê và hệ thống cống tiêu nước mưa, thoát lũ và kiểm soát mặn ven biển Tây; hệ thống quan trắc tài nguyên nước gồm: các trạm khí tượng - thủy văn; các trạm đo chất lượng nước, phù sa và điểm đo chất lượng nước theo đợt.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đánh giá hai tỉnh đã thực hiện tốt việc quản lý và cấp phép khai thác nguồn nước, xả thải vào nguồn nước; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo lũ, triều cường, hạn hán, dòng chảy kiệt và xâm nhập mặn. Cung cấp thông tin dự báo kịp thời để chủ động chỉ đạo kế hoạch sản xuất, kiểm soát lũ, cấp nước, kiểm soát mặn và phòng tránh thiên tai.
Ông Thao cho biết thêm vấn đề thực hiện thỏa thuận hợp tác quản lý nước vùng TGLX cần thiết lập mối liên hệ giữa các sở, ngành giữa hai tỉnh quản lý khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi trong những năm qua đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đến năm 2017, vùng TGLX đã gieo trồng hơn 878 ngàn ha lúa, sản lượng trên 5 triệu tấn/năm. Ngoài ra còn trồng rau màu và nuôi tôm nước lợ.
Hệ thống đê bao là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Hàng năm, sau khi kiểm tra thực tế tình hình mực nước lũ, ảnh hưởng của mưa và triều cường, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất ngày mở 2 đập Tha La và Trà Sư để vừa bảo vệ sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông. Phối hợp vận hành hệ thống cống thoát lũ, ngăn và kiểm soát mặn dọc đê biển vùng này.
Thời gian tới, vùng TGLX tiếp nghiên cứu thống nhất cơ chế về thu thập và chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước mặt, nước ngầm và khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng nước và phương án sử dụng nước luân phiên khi xảy ra hạn hán, thiếu nước. Phối hợp quản lý, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng đồng bộ, hiệu quả, tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hợp lý, không gây ô nhiễm nguồn nước.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL chia sẻ: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp thì tài nguyên nước là cốt lõi và phải xem nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên. Việc thỏa thuận hợp tác quản lý nước vùng TGLX của các địa phương vừa quản lý tốt nguồn nước, bảo vệ môi trường, vừa đáp ứng đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng sản xuất trọng điểm này”.
Ông Thiện cũng đề xuất các địa phương rà soát nhu cầu về nước ngọt, mặn và lợ theo nhu cầu canh tác của từng vùng, từng loại hệ sinh thái tự nhiên ở từng tiểu vùng. Từ đó, bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi toàn vùng phù hợp để đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước của từng tiểu vùng sản xuất. Quy hoạch không gian hấp thu, trữ lũ, thoát lũ, kiểm soát mặn của vùng TGLX.
Xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi cần tôn trọng quy luật thủy văn, không gây cản trở dòng chảy để dòng chảy, phù sa, nguồn lợi thủy sản liên thông. Liên kết kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn xanh trong phát triển các ngành sản xuất. Xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước trên cơ sở tích hợp các nội dung quy hoạch tài nguyên nước của từng tỉnh trong quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL.
Huy Diệu