Theo báo cáo, năm 2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch khoảng 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Trong đó, 44% giá trị là từ việc xuất khẩu tôm - cao nhất cho ngành thủy sản. Việt Nam là bạn hàng của 90 thị trường tiêu biểu, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD. Tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, tạo công ăn việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 700.000 hộ gia đình.
Ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức
Ông Lập cho biết thêm, điều đáng quan tâm nhất hiện nay chính là việc liên kết để phát triển bền vững giữa doanh nghiệp và người nuôi vẫn còn khoảng trống lớn. Nghiên cứu của ICAFIS về chuỗi giá trị tôm ở Sóc Trăng và Cà Mau trong năm 2015 cho thấy, gần 80% nguyên liệu của các công ty phải mua từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và thương lái địa phương. Không chỉ hai tỉnh trên, mà toàn vùng ĐBSCL cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Cần xây dựng chuỗi giá trị tôm Việt Nam
Trước đó, trong một cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD thì phải đến 2030 mới đạt được, song Thủ tướng Chính phủ cho rằng Bộ chưa quyết liệt, nên phải phấn đấu sớm hơn là năm 2025. Đây là một quyết tâm rất cao, muốn đạt được mục tiêu trên, ngành tôm phải đạt tốc độ tăng bình quân từ 9 - 12%/năm trong thời gian tới, điều này không hề dễ dàng trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, điều kiện thời tiết nên cần được nhiều hiến kế, giải pháp đột phá.
Khảo sát của ICAFIS cho biết, vùng ĐBSCL hiện có chưa đến 14% số doanh nghiệp, hợp tác xã tự chủ được con giống, còn lại trên 80% là phải mua bên ngoài. Trong khi đó, việc liên kết sản xuất còn yếu và thiếu.
Huy Diệu