Tại Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón cho các tỉnh, thành phía nam, do Cục QLTT (Bộ Công Thương) tổ chức tại Cần Thơ mới đây, đã nhận định: Hầu hết các mẫu phân bón sai phạm, kém chất lượng không thuộc các doanh nghiệp lớn mà đa phần là thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hình thức vi phạm tinh vi và thị trường mà các công ty nhắm đến là khu vực nông thôn, thuộc vùng sâu, vùng xa.
Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng
Vừa qua, một số tỉnh thành vùng ĐBSCL đã thực hiện việc siết chặt quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung và phân bón nói riêng. Chỉ sau vài đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng. Đáng chú ý, có những đại lý, cơ sở kinh doanh chỉ qua một lần bốc mẫu kiểm tra đã phát hiện 2 – 3 mặt hàng vi phạm, thậm chí có địa phương cứ 10 mẫu phân thì có 4 mẫu không đạt. Phân bón giả, kém chất lượng chiếm tới hơn 40% các mẫu phân bón đã lấy, quả là thực trạng nhức nhối.
Theo Phó cục trưởng Cục QLTT Đỗ Thanh Lam, phân bón là mặt hàng quan trọng của người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất phân bón, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn còn một số doanh nghiệp gian lận chạy theo lợi nhuận. Năm 2015 cả nước phát hiện và xử lý trên 3.000 vụ, trong đó có hơn 1.000 tấn phân bón được phát hiện kém chất lượng.
Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 Cần Thơ cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL rất lớn, đây là thị trường “màu mỡ” của các đối tượng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, vì vậy tình hình rất phức tạp.
Mặc dù thời gian qua, lực lượng QLTT Cần Thơ đã xử lý quyết liệt rất nhiều vụ việc vi phạm nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường. Hơn nữa, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hiện nay hoạt động liên tỉnh, rất khó khăn trong công tác quản lý.
Còn theo ông Lê Trung Giang (Chi cục QLTT TP Cần Thơ), hiện nay, tình trạng vi phạm phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tồn tại và ngày càng diễn biến khá phức tạp, chưa được đẩy lùi triệt để. Những vi phạm, gian lận thương mại, nhái các sản phẩm phân bón có thương hiệu lớn trong nước thường xuất hiện ở các khu vực vùng sâu, vùng xa với nhiều hành vi tinh vi như thường ký hợp đồng gia công hay mở cơ sở nhỏ lẻ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng tuồn bán ra thị trường gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nông dân.
Để hạn chế phân bón giả “len lỏi” vào các đồng ruộng ở ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh mô hình liên kết nông dân vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, xây dựng thành các mô hình sản xuất “cánh đồng lớn”. Khi sản xuất lớn thì hợp tác xã sẽ liên kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón để cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp với chất lượng tốt, có uy tín. Đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân về các giải pháp phân biệt giữa phân giả, phân kém chất lượng và phân bón thật có uy tín.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt hơn nữa đối với các cơ sở, doanh nghiệp, đại lý sản xuất, mua bán phân giả, kém chất lượng; đồng thời, tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Hải Đăng