Qua kiểm tra, Đoàn đã phát hiện 10 mẫu phân bón giả và kém chất lượng; xử phạt 7 cơ sở kinh doanh phân bón giả và kém chất lượng với số tiền gần 400 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy hơn 21 tấn phân bón vi phạm.
Đồng thời, tiến hành các thủ tục để gửi thông báo, đề nghị cơ quan chức năng địa phương xử lý các doanh nghiệp, đơn vị đã sản xuất ra sản phẩm phân bón kém chất lượng.
Danh sách các đơn vị kinh doanh phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị xử lý, xử phạt gồm: cơ sở kinh doanh phân bón Hệ Nga (thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song); Cơ sở kinh doanh phân bón Trung Toán (thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long); Cơ sở kinh doanh phân bón Linh Hậu (thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil); Cơ sở kinh doanh phân bón Hoan Mừng (thôn 11, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long); Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ, vận tải Nam Thuận (thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil); Cơ sở kinh doanh phân bón Thủy Quý (thôn Tân Bình, xã Đắk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa) và Cơ sở kinh doanh phân bón Hoàng Vinh (thôn Bon Sa Na, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long).
Chi cục QLTT tỉnh đã ra quyết định xử phạt 7 cơ sở kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng với số tiền gần 400 triệu đồng
Hành vi vi phạm của 7 cơ sở nêu trên, bao gồm: Bán phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng; bán phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở gần 400 triệu đồng; trong đó, cơ sở bị xử phạt thấp nhất gần 14 triệu đồng, cao nhất là 162 triệu đồng. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng buộc các cơ sở tiêu hủy 21,5 tấn phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng nêu trên.
Chi cục QLTT đã tham mưu Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh có công văn thông báo và đề nghị ngành chức năng các địa phương xử lý các đơn vị này. Đây là việc làm cần thiết để giải quyết tận gốc rễ việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con nông dân.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng có thông báo, đề nghị các cơ quan chức năng địa phương xử lý các doanh nghiệp sản xuất ra phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Danh sách các đơn vị thông báo, đề nghị xử lý bao gồm:
Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại Việt Liên (địa chỉ số 75/50, ấp 7, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với sản phẩm phân bón NPK 20-8-18+TE giả.
Công ty TNHH Phân bón Nông nghiệp (địa chỉ khu 8, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng (2,5-4-1,5) giả.
Công ty TNHH SITO Việt Nam (địa chỉ số 4, đường 3A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) với sản phẩm phân bón NPK 20-20-15+TE có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Công ty TNHH MTK (địa chỉ số 331 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) với sản phẩm phân bón NPK 16-16-8 có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Công ty cổ phần Nicotex Đắk Lắk (68, Nguyễn Chí Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) với sản phẩm phân bón NPK 17-17-7+13S có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Công ty TNHH Hóa sinh Tường Phát (địa chỉ số 02/10R, ấp 4, Bình Hưng, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) với sản phẩm phân bón TPBC016 bo - kẽm đậm đặc giả.
Công ty TNHH thương mại, công nghệ Hoàng Gia (địa chỉ 224/133/10, đường số 8, khu phố 16, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) với sản phẩm phân bón Trung vi lượng Canxi – bo có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Công ty TNHH thương mại, dịch vụ hóa chất Tân Phú với sản phẩm phân bón Mico vi lượng giả; Công ty TNHH sản xuất Việt Áo (địa chỉ Hố Nai 3, xã Hố Nai, Trảng Bom, Đồng Nai) với sản phẩm phân bón NPK 16-16-8+13S có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tân Thành Nam Agriculture (địa chỉ 42/10, đường số 5, khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) với sản phẩm phân bón NPK 25-5-5+8S có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Hải Đăng