Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, toàn ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Lần đầu tiên, đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, được triển khai tại 63/63 sở GD-ĐT, 710 phòng GD-ĐT, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh, 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53.000 trường học và thông tin về cơ sở vất chất, nhà vệ sinh trường học. Hệ thống thống kê về giáo dục đại học được triển khai đến nay đã thu thập được khoảng 1,3 triệu hồ sơ sinh viên, 94.000 hồ sơ giảng viên từ 247 trường đại học, học viên, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành.

Giáo dục tiên phong trong chuyển đổi số
Giáo dục tiên phong trong chuyển đổi số.

Nói về những kết quả cụ thể trong chuyển đổi số của ngành giáo dục, Thứ trưởng GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình đào tạo này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT.
 
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD-ĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GD-ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, giáo viên.

TS. Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục cho rằng, một trong những khó khăn của quá trình chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến là thay đổi tư duy, thói quen làm việc tại các cơ sở đào tạo: Bản thân tâm lý chối quanh, thậm chí ngay cả trong văn hóa làm việc vẫn chưa được thực sự làm, chưa có cơ hội để cùng chia sẻ, bàn giải pháp thực hiện. Thêm một khó khăn nữa, phụ thuộc vào tính hệ thống. Chuyển đổi số đòi hỏi cả một hệ thống, trong khi chúng ta mới chỉ để ý đến một số khâu trong cái hệ thống này. Thế nên sẽ có một số khâu họ làm trước, một số khâu chưa kịp làm  thì sẽ xô lệch nhau trên hệ thống. Và cái khó thứ ba là vấn đề về chính sách. Vì làm chuyển đổi số thì sẽ có những hy sinh, có những cái cần đóng góp và bắt đầu, nếu chúng ta chưa có một cơ chế nào tạo động lực thì đôi khi tâm lý không được chủ động, hoặc tạm thời sẽ có cản trở quá trình chuyển đổi số.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học và sau đại học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số của ngành giáo dục. Cụ thể, phải có đội ngũ hỗ trợ về kỹ thuật, bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học để thích ứng cho cả đất nước.

Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng triển khai bốn vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), trong 2 năm tới, số hóa là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Các cơ sở dữ liệu toàn quốc về GDĐT sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành; kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng đầy đủ nội dung theo chương trình giáo dục của tất cả các môn học; các cơ sở đào tạo phải lên được kế hoạch tổ chức đào tạo trực tuyến và nâng cao tỷ trọng đào tạo trực tuyến; các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ đẩy mạnh, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ số để đổi mới các mô hình, cách thức tổ chức dạy học để việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn với học sinh, nâng cao tính cá thể hóa học tập, cơ hội học tập được mở rộng đối với những học sinh ở khu vực còn khó khăn…
 
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại Đại hội Đảng XIII cho biết, trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
 
Các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.

Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ GD-ĐT với Chính phủ, các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức cá nhân có liên quan.

“Mục tiêu của ngành giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Hoan Nguyễn