Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Khương Duy phát biểu tại lễ phát động.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Khương Duy phát biểu tại lễ phát động.

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học tỉnh, Tỉnh Đoàn, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, cùng Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt và nhiều đơn vị liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Sách là kho tàng tri thức vô giá, là người bạn đồng hành không thể thiếu trên chặng đường học tập và phát triển của mỗi con người. Việc đọc sách không chỉ giúp mở rộng hiểu biết, rèn luyện tư duy mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và bồi đắp tình yêu đối với quê hương, đất nước và con người.

Đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của sách cũng như văn hóa đọc, hằng năm UNESCO chọn ngày 23/4 là “Ngày Sách và Bản quyền thế giới”; tại Việt Nam, ngày 21/4 được xác định là “Ngày Sách Việt Nam”. Riêng tại Vĩnh Phúc, năm 2025 là năm thứ tư ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của sách, Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của sự kiện này; đồng thời treo băng rôn, khẩu hiệu với các thông điệp giàu cảm hứng như: “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách – Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Sở GD&ĐT khuyến khích biểu dương và nhân rộng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, đề nghị tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa thư viện nhà trường với thư viện tỉnh, thư viện công cộng và các câu lạc bộ đọc sách để mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho học sinh.

Học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục được khuyến khích tổ chức đa dạng các hoạt động như: thi kể chuyện theo sách, hội thi tìm hiểu kiến thức, trò chơi tương tác, giao lưu – tọa đàm, giới thiệu sách mới, phát động phong trào luân chuyển sách, báo, tài liệu... Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện như quyên góp sách để xây dựng “Tủ sách học đường” và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận tri thức thông qua sách vở.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện cũng như hoạt động đọc sách của các cơ sở giáo dục; tăng cường khai thác học liệu số, sách báo điện tử, thư viện điện tử, thư viện trực tuyến, đáp ứng công tác quản lý, giảng dạy và học tập của cán bộ, giáo viên và học sinh….

Nhân dịp này, chuyên gia giáo dục Nguyễn Công Hinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT và diễn giả Kim Thoa đã nói chuyện với học sinh chuyên đề sách, văn hóa đọc. Bảo tàng - Thư viện tỉnh và Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt trao sách tặng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc...

Chi Chi (t/h)