Ngày 7/4 vừa qua, một số phương tiện truyền thông trích dẫn nguồn tin từ phe đối lập Syria cáo buộc chính phủ nước này tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma, Đông Ghouta, cách thủ đô Damascus 10km về phía tây bắc. Mỹ và một số đồng minh phương Tây ngay lập tức lên án cuộc tấn công này đồng thời đe dọa sẽ có hành động quân sự đối với Syria.
Tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: TLAM
Vụ việc dường như lặp lại kịch bản cách đây 1 năm khi quân đội Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria với cáo buộc tương tự. Tuy nhiên lần này, giới quan sát cho rằng, mục tiêu thực sự của Mỹ không chỉ nhằm răn đe Syria, mà còn nhắm vào liên minh mới nổi giữa Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đang gắn kết chặt chẽ thời gian qua.
Mỹ lo ngại liên minh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng
Cây bút chuyên mảng chính trị và tài chính Alessandro Bruno của Lombardi Letter nhận định: “Mỹ và đồng minh như Saudi Arabia và Israel đã phải chịu thất bại lớn trên chiến trường Syria. Thất bại này thể hiện ở việc bất chấp các nỗ lực can thiệp, Tổng thống Syria Bashar Al Assad vẫn tiếp tục nắm quyền, còn Syria trở thành quốc gia kiểu mẫu trong thế giới Arab minh chứng việc chống lại Mỹ và phương Tây là điều hoàn toàn có thể.”
Theo nhà phân tích Alessandro Bruno, Nga và Iran đã thành công trong việc kéo Thổ Nhĩ Kỳ “rời xa” NATO và tham gia vào liên minh với hai quốc gia này. Thổ Nhĩ Kỳ từng được coi là một trong những thách thức chính đối với chính phủ Syria kể từ khi xung đột tại nước này bắt đầu vào năm 2011, vậy mà giờ đây lại giữ quan điểm “trung dung” đối với chế độ của Tổng thống Bashar Al Assad.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Ankara ngày 4/4 vừa qua, lãnh đạo 3 nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria cũng như gia tăng ảnh hưởng của mình tại quốc gia Trung Đông này. Hội nghị cũng đã cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria, với vai trò đầu tàu của Nga và sự vắng bóng của các cường quốc phương Tây.
“Tình hình hiện giờ giống như một cuộc chiến tranh giành đồng minh. Nếu Mỹ không thể “đánh vỗ mặt” Nga, nước này sẽ bị yếu thế tại Trung Đông. Thành công của Nga trong các chiến dịch quân sự tại Syria có thể thuyết phục được một số quốc gia vùng Vịnh tìm cách thành lập liên minh với Nga và Iran thay vì Mỹ và Saudi Arabia. Qatar dường như đã sẵn sàng cho động thái này”, ông Bruno nói.
Ông Majed bin Abdulaziz Al Turki, người đứng đầu Trung tâm truyền thông và nghiên cứu quan hệ Nga-Arab, có trụ sở tại Riyadh nhận định, Mỹ và các nước đồng minh nhiều khả năng sẽ tấn công Syria vì lo ngại sự thất bại trong chính sách về Syria có thể khiến nhiều quốc gia khác trong khu vực gia nhập liên minh mới Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran. Đây không đơn thuần là một cuộc tấn công đáp trả cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học mà là một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc trong khu vực.
Vụ hai chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng F-15I của Lực lượng Không quân Israel (IAF) tiến hành cuộc tấn công bằng 8 tên lửa hành trình vào Căn cứ không quân Tiyas ở phía Nam tỉnh Homs của Syria hôm 9/4 là ví dụ điển hình cho thấy Mỹ và đồng minh đã chuyển từ lời nói sang hành động. Cộng đồng quốc tế lo ngại sau cuộc tấn công của Israel, Mỹ sẽ tiếp tục có những hành động quân sự mạnh mẽ hơn đối với chính quyền Damascus. Nguy cơ tiếp tục bị tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk đang treo lơ lửng trên đầu ông Assad.
Tấn công Syria không còn là “trái cấm” đối với Mỹ
Vũ khí hóa học có thể là cái cớ để Mỹ và đồng minh NATO, trong đó có Anh, Pháp sử dụng để biện minh cho việc can thiệp quân sự chống lại chính quyền Tổng thống Assad, tương tự như những gì Mỹ đã thực hiện tại Iraq nhằm lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein 15 năm về trước. Nỗ lực này nhằm hoàn thiện những bước đi mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không thực thi vào năm 2013.
Nhà phân tích Bruno nhấn mạnh: “Tổng thống Obama đã tìm mọi cách để tránh lún sâu vào cuộc xung đột tại Syria năm 2013. Tuy nhiên sau đó, dưới sức ép của các đồng minh và chính giới Mỹ, ông buộc phải triển khai lực lượng bộ binh đến Syria. Tình hình hiện nay khiến chúng tôi lo lắng về những thảm cảnh nghiêm trọng hơn đe dọa hàng triệu người dân Syria - những người đã phải chịu đựng nỗi thống khổ trong hơn 7 năm xung đột”.
Với đội ngũ các nhân vật thân cận có quan điểm cứng rắn với Nga và Iran trong chính quyền như Cố vấn an ninh quốc gia Jonh Bolton, tân Ngoại trưởng Mike Pompeo thì việc tấn công Syria giờ đây không còn là giới hạn đỏ đối với Tổng thống Donald Trump.
Giới quan sát cho rằng, một cuộc tấn công tiềm tàng đối với Syria với mục tiêu nhằm vào các căn cứ của chính phủ có thể vẫn là “trái cấm” cho đến ngày 8/4 khi Mỹ đưa ra lý do chính thức là Nga và chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng chất độc hóa học tại Đông Ghouta.
Theo học giả Bruno, cuộc tấn công này chỉ có thể tránh khỏi khi ông Donald Trump nhớ lại những gì ông đã viết trên Twitter vào ngày 29/8/2013 lúc chưa giữ chức Tổng thống: “Chúng ta sẽ nhận được gì khi ném bom tại Syria, hay đó chỉ là các khoản nợ nần và một cuộc xung đột kéo dài? Để thực hiện động thái này, ông Obama cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội”. Tuy nhiên, ông Bruno cho rằng Tổng thống Donald Trump dường như đã quên đi tuyên bố này khi ra lệnh tấn công căn cứ quân sự của Syria bằng 59 quả tên lửa ngày 7/4/2017 và “cơ hội để khơi gợi lại trí nhớ của ông Trump giờ đây cũng rất lu mờ.”
Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria cũng đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ sẽ khó có thể rút chân ra khỏi quốc gia Trung Đông này. Tình hình leo thang căng thẳng sẽ khiến tất cả các nước liên quan sa lầy vào vòng xoáy khủng hoảng. Afshin Molavi một nghiên cứu viên cao cấp của trường Đại học John Hopkins, cho rằng cảnh báo của Tổng thống Trump về hành động quân sự tấn công Syria sẽ không thay đổi cán cân quyền lực trên thực địa và điều này sẽ tạo ra một tình huống rối loạn kéo dài./.
Theo VOV