Ủy Ban Tài chính Ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho VDBỦy Ban Tài chính Ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho VDB

Tại phiên họp toàn thể tại hội trường vào chiều 11/11, Quốc hội đã thảo luận về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Thực hiện khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giao kế hoạch trung hạn cho VDB.

Nội dung này đã được Quốc hội, UBTVQH xem xét, cho ý kiến và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng 2.500 tỷ đồng trong tổng số 9.015 tỷ đồng dự kiến cấp vốn điều lệ cho VDB để thanh toán phần còn thiếu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho VDB.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019-2021”, Chính phủ đã xác định chênh lệch lãi suất và phí quản lý thuộc nghĩa vụ của ngân sách Trung ương phải cấp bù cho VDB.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì các lý do: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VDB giai đoạn 2019-2021”.

Chính phủ đã rà soát, báo cáo số phải thanh toán, số đã bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư, số còn thiếu trong kế hoạch vốn đầu tư và nguồn lực thực hiện, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Việc thanh toán số vốn thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương, do chưa bố trí đủ để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 của VDB theo quy định của pháp luật là cần thiết để bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của ngân hàng.

Do đó, Ủy Ban Tài chính Ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho VDB và đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Trước đó, tại tờ trình về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho VDB sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Chính phủ đã báo cáo UBTVQH về nội dung này.

Báo cáo thẩm tra về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng VDB do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày đã nêu rõ, việc Chính phủ trình bổ sung vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn cho VDB là đúng thẩm quyền.

Theo ông Hải, việc thanh toán số vốn thuộc trách nhiệm của ngân sách, do chưa bố trí đủ để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 của VDB theo quy định là cần thiết để bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của VDB.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bố trí để thanh toán dứt điểm số tiền ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý còn thiếu đến ngày 31/12/2018 đối với VDB là 7.225,093 tỷ đồng.

Và cũng có ý kiến cho rằng, VDB trong nhiều năm qua hoạt động chưa hiệu quả, đề nghị trước khi bố trí vốn cho VDB cần xem xét, đánh giá lại tính hiệu quả trong hoạt động và mô hình tổ chức của VDB trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm tính hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã thực hiện cho vay vốn tín dụng đầu tư 7 dự án/khoản vay của 6 chủ đầu tư. Đến ngày 31/12/2019, có 06 dự án còn dư nợ tại VDB bao gồm: Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; 2 dự án/khoản vay của Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Trong đó, tổng số vốn đã giải ngân: 14.665 tỷ đồng và 2.598.778 USD, tổng số nợ gốc đã thu: 4.892 tỷ đồng và 1.504.696 USD; tổng nợ lãi đã thu: 4.833 tỷ đồng và 1.826.045 USD; tổng dư nợ gốc: 9.773 tỷ đồng (trong đó, nợ quá hạn: 4.349 tỷ đồng) và 1.094.082 USD; tổng dư nợ lãi: 4.457 tỷ đồng (lãi đến hạn trả chưa trả: 4.349 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 2015-2017, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và khó khăn thực tế của các dự án, trong phạm vi thẩm quyền, VDB đã áp dụng giải pháp tín dụng cho các dự án (điều chỉnh mức trả nợ trong các kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng). Tuy nhiên, với tình hình thực tế của các dự án, việc áp dụng giải pháp tín dụng không giải quyết được những khó khăn mà cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và triệt để hơn (gia hạn nợ vay, giảm lãi suất, khoanh nợ…), cùng một số cơ chế chính sách khác (thuế VAT, khấu hao…) thì dự án mới có thể hoạt động bình thường và có nguồn trả nợ.

Phương Thảo (t/h)