Đề xuất 2 phương án về giá dịch vụ tại dự án cao tốc 118.000 tỷ - Hình 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: QH)

Lưu ý bất cập hình thức BOT

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác; mặt khác, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.

Theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

Đối với 3 dự án thành phần còn lại, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này. Để làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các đoạn này, đề nghị Chính phủ so sánh 2 hình thức đầu tư này nếu được áp dụng vào các dự án đó.

Ngoài ra, đối với 2 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của dự án; riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao.

Đề xuất 2 phương án

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đối với kiến nghị “chấp thuận khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu”, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng ý với mục đích của kiến nghị và cho rằng đây là cơ sở quan trọng cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho dự án.

Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách giá dịch vụ tại Phần II của Phụ lục 3 kèm theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất 3 phương án để giải quyết vấn đề còn bất cập, nhưng việc đánh giá tác động của các phương án chưa đầy đủ, cụ thể là chưa định lượng được tác động của cả 3 phương án và phân tích tác động của từng phương án đối với các đối tượng nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhằm có cơ sở so sánh để lựa chọn phương án (3) là phù hợp.

Một số ý kiến khác cho rằng việc xác định ngay mức giá từng thời kỳ trong thời gian 24 năm là quá dài và chưa phù hợp, do đó sẽ hạn chế quyền điều tiết về giá của Nhà nước để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt là khi có biến động lớn về chỉ số giá.

Có ý kiến đề nghị giá dịch vụ cần được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số giá trung bình được nghiên cứu trên cơ sở chỉ số giá đã công bố trong khoảng thời gian đủ dài để bảo đảm mức độ tin cậy. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ các ý kiến nêu trên, đồng thời đề xuất 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Cụ thể:

Phương án 1: Chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư.

Phương án 2: Xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế là đề nghị chọn phương án 1.

Ngoài ra, đối với kiến nghị “Trong trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội để thực hiện giải phóng mặt bằng theo kế hoạch (khoảng 13.606 tỷ đồng/713 km), giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án (nếu cần thiết)”, có ý kiến đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và bảo đảm tính công khai, minh bạch cho dự án, trên cơ sở các nguyên tắc và mục tiêu của dự án đã được Quốc hội thông qua.

Trần Nguyên