Tổng cục Hải quan vừa đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu; sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến giản đơn quy định tại Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP để phù hợp với tình hình hiện nay.
Tổng cục Hải quan cho biết, mặc dù cơ quan hải quan chủ động chống gian lận xuất xứ hàng hóa nhưng trong quá trình kiểm tra, xác định vi phạm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Việc hướng dẫn tại Nghị định 31 và một số văn bản khác còn có điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc CTC (chuyển đổi mã số) quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương còn mâu thuẫn với giải thích thuật ngữ quy định tại Khoản 9, Điều 3, Nghị định 31. Quy định về tự chứng nhận xuất xứ chỉ đưa ra khái niệm tại Nghị định 31 nhưng không có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 05. Do vậy, lực lượng chức năng khó kết luận vi phạm về hành vi tự chứng nhận xuất xứ.
Trong khi đó đến nay, Bộ Công Thương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu và cách thức kê khai xuất xứ hàng hóa trong điều kiện hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Bên cạnh đó, có sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Do đó ngành Hải quan đã đề nghị sửa đổi Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và đã được Chính phủ chấp thuận bằng Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh cực hải quan (Nghị định 128). Tại Nghị định này, hải quan đề xuất bổ sung thêm quy định xử phạt vi phạm về gian lận xuất xứ; bổ sung một số điều về xử phạt như khi doanh nghiệp đã xuất hàng đi nhưng nếu kiểm tra phát hiện, mặt hàng đó gian lận xuất xứ thì lực lượng chức năng xử phạt bằng biện pháp tịch thu bằng trị giá hàng hóa.
Bảo Lâm