Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo, yêu cầu, kế hoạch được giao, các đơn vị hải quan đã chủ động, tích cực áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp, các hoạt động này đã có tính lan tỏa trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Tuy vậy, vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; bảo vệ thị phần chính đáng của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát, điều tra xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa.
Các đơn vị thực hiện điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định đối với các nhóm đối tượng, mặt hàng trọng điểm.
Cụ thể, các nhóm đối tượng trọng điểm gồm: Đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ với tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến (tốc độ tăng trưởng đột biến); hay chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các mặt hàng có khả năng nhập khẩu về Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản để xuất khẩu.
Doanh nghiệp có tần suất xuất khẩu nhiều, thời gian xuất khẩu giữa các lô hàng ngắn, không tương thích với quy trình, thời gian sản xuất sản phẩm; doanh nghiệp thành lập từ năm 2018 trở lại đây, có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến; doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghệ cao tại Việt Nam chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, 15 nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm cũng được ngành hải quan xác định tăng cường kiểm tra gồm:
Nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ; Nhóm thiết bị: thiết bị thể thao, thiết bị nội thất; Nhóm mặt hàng thép: khớp nối bằng thép; bánh xe thép, thép tiền chế, ống đồng; Nhóm mặt hàng điện tử: mạch điện, máy xử lý dữ liệu, sản phẩm điện tử và linh kiện; Nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; Pin năng lượng mặt trời; Đệm mút; Đá nhân tạo; Gạch men; Lốp xe tải và xe khách; Bao và túi nhựa; Nhóm máy móc, thiết bị: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy hút bụi, máy cắt cỏ; Ghim đóng thùng; Vỏ bình ga; Giày dép và túi xách.
Ngoài các nhóm mặt hàng trên, các đơn vị căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn bổ sung các nhóm mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Để triển khai, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả nội dung hướng dẫn tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL, Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và kế hoạch thực hiện trong năm 2021 hướng dẫn tại văn bản này.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của ngành Hải quan trong năm 2021.
Nguyễn Kiên