Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký tờ trình gửi Quốc hội Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều điểm mới về phòng ngừa rủi ro.
Theo đó, lần sửa đổi này, mục đích đặt ra là để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.
Bên cạnh đó, lần sửa đổi có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt...
Dự thảo lần này có điểm mới là bổ sung quy định tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ. Các biện pháp hỗ trợ gồm, tổ chức tín dụng sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt.
Đề xuất cho vay lãi suất 0% đối với ngân hàng bị rút tiền hàng loạt (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngân hàng hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác theo quy định luật này. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, gồm: Mua giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng trên nghiệp vụ thị trường mở; thực hiện các giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng; tái cấp vốn với tổ chức tín dụng.
Với khoản vay đặc biệt để tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo quy định lãi suất cho vay là 0%/năm với thời hạn như cho vay đặc biệt khác.
Theo dự thảo, ngân hàng được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; không phải thực hiện tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh...
Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định trật tự an toàn xã hội, Ngân hàng Nhà nước được chỉ định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%.
Với các ngân hàng yếu kém, dự thảo luật đưa ra biện pháp can thiệp sớm, tăng thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước, gồm các quyền như hạn chế hoặc đình chỉ quyền quyết định kinh doanh của người quản lý ngân hàng nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy mức độ; khi thực hiện can thiệp sớm, cho phép xử lý "từ sớm, từ xa" nếu tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng; bổ sung một số trường hợp kiểm soát đặc biệt, các phương án xử lý như chuyển giao bắt buộc, có phương án phá sản.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để xử lý các khủng hoảng tài chính có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, pháp luật một số quốc gia đều có các cơ chế này.
Thống đốc cũng dẫn chứng kinh nghiệm của một số quốc gia như với Ngân hàng Credit Suisse, để hỗ trợ Ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse, Chính phủ Thụy Sỹ đã bảo lãnh cho khoản lỗ trị giá khoảng 9 tỷ CHF của CS và Ngân hàng Trung ương - cho vay hỗ trợ thanh khoản 100 tỷ CHF cho UBS, để thực hiện việc mua lại Credit Suisse.
Trước những cuộc khủng hoảng như của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, củng cố niềm tin của người dân đối với hoạt động ngân hàng, tránh việc đổ xô rút tiền hàng loạt, cơ quan cấp phép đã tiến hành đóng cửa ngân hàng, chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) - là tổ chức tiếp nhận và chuyển giao toàn bộ hoạt động của ngân hàng đổ vỡ cho ngân hàng bắc cầu để tiếp tục duy trì việc cung ứng dịch vụ ngân hàng, tài khoản cho các khách hàng hiện hữu trước khi được chuyển nhượng cho tổ chức nhận chuyển nhượng.
Để ngăn ngừa nguy cơ lan truyền rút tiền hàng loạt, FDIC đã tuyên bố bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi tại SB và Signature Bank (bao gồm cả tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm)...
Trúc Mai