Cụ thể, phía VASEP đã phát hành Công văn 96/CV-VASEP gửi Bộ NN&PTNT về góp ý dự thảo. Theo đó, VASEP góp ý bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh vào đối tượng được hỗ trợ.
VASEP đưa ra lý do và cơ sở cho góp ý trên: "Hiện tại và xu hướng tương lai, doanh nghiệplà một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản".
Ngoài ra, theo quy định pháp luật, các chủ thể kinh tế là bình đẳng trước pháp luật. Doanh nghiệp nông nghiệp hiện tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm, gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Do vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông-thủy sản nói chung thì doanh nghiệp hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ.
Nhiều chính sách thực tiễn trong thời gian từ giai đoạn Covid-19 tới nay, đặc biệt gần đây nhất là công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10-9-2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão thì doanh nghiệp luôn là chủ thể bên cạnh người dân, trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, VASEP đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét, sửa đổi 1 số cơ chế, thủ tục hỗ trợ thiệt hại; bổ sung quy định thời hạn cụ thể từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế; rút ngắn các thời hạn xử lý các thủ tục hành chính tại từng bước để tăng hiệu quả, tính kịp thời và ý nghĩa của chính sách.
Cũng theo VASEP, thiên tai hoặc dịch bệnh nếu xảy ra thì thường trên diện rộng, dự thảo cần điều chỉnh để cho phép (phân cấp) UBND cấp xã được quyền chủ trì tập hợp thống kê, thẩm tra thiệt hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Thu Trang(t/h)