Tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Nga
Vũ khí “ngày tận thế” hay hệ thống tự động trả đũa hạt nhân nếu một nước bị tấn công hạt nhân đã trở thành cơn ác mộng kéo dài suốt những thập kỷ qua. Tuy nhiên nó không chỉ là một khái niệm. Vũ khí “ngày tận thế” này hoàn toàn có thật, với một cái tên rợn tóc gáy “Dead Hand” (Bàn tay tử thần).
Nếu một nước bị tấn công hạt nhân, vũ khí “ngày tận thế” sẽ được sử dụng để thực hiện cuộc tấn công hạt nhân vào nước gây chiến, dù cho có thể sau đó sẽ không ai còn sống sót.
Hệ thống này hoàn toàn tự động và không thể bị vô hiệu hóa. Nó chỉ kích hoạt một khi chắc chắn những người nắm quyền đều đã chết. Điểm mấu chốt của hệ thống này là khiến một cuộc chiến tranh hạt nhân trở nên vô ích.
Thậm chí nếu một nước thực hiện tấn công phủ đầu, vũ khí “ngày tận thế” sẽ đảm bảo rằng bất kỳ chiến thắng nào giành được từ cuộc tấn công phủ đầu cũng sẽ trở nên vô ích vì đằng nào nước đó cũng sẽ không còn một ai tồn tại. Đó là cách hủy diệt lẫn nhau và đồng thời cũng là công thức cho hòa bình, khi mỗi bên sở hữu vũ khí hạt nhân đều cho rằng “điều này thật không đáng.”
Thiết bị được coi là vũ khí “ngày tận thế” đã xuất hiện từ năm 1985 mang tên Perimeter System, hay còn được gọi là Dead Hand (Bàn tay tử thần).
Lý do Liên Xô quyết định xây dựng hệ thống này là để đối phó với sự cải tiến công nghệ tên lửa của Mỹ vào những năm 1980. Trước khi Mỹ cải tiến, cuộc chiến tranh hạt nhân được cho là sẽ khởi xướng với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Về cơ bản, đây là các tên lửa có quỹ đạo nhỏ mang đầu đạn hạt nhân bay thẳng tới đất nước của kẻ thù.
Tên lửa hạt nhân chiến lược Nga
Tên lửa đạn đạo Nga khai hỏa trong một cuộc diễn tập
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thường có thể phát hiện được và đất nước bị tấn công thường có khoảng 30 phút cảnh báo, thời gian đó chỉ đủ để những nước này phóng tên lửa đối phó, gây ra một thảm kịch hạt nhân khiến không bên nào được lợi. Đó là cách răn đe tiêu diệt lẫn nhau.
Tuy nhiên vào những năm 1980, Mỹ đã nâng cấp độ chính xác với hệ thống phóng tên lửa trên tàu ngầm, hệ thống này giúp Mỹ có thể thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chính xác ngay cạnh biên giới Liên Xô, giảm thời gian cảnh báo xuống chỉ còn ba phút, không đủ thời gian để tiến hành một cuộc phản công hữu hiệu.
Điều đó làm mất sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô và đây sẽ là động lực để Mỹ tấn công phủ đầu, ít nhất là trên lý thuyết. Do đó Liên Xô cần biện pháp để đảm bảo cả hai bên sẽ cùng bị hủy diệt, và đó là lý do “Bàn tay tử thần” ra đời.
Hệ thống này ban đầu chỉ là hệ thống hỗ trợ trong tình huống liên lạc khẩn cấp, nhưng sau này lại được mở rộng để thực hiện chức năng phản công tự động hoàn toàn. Trung tâm của hệ thống này là “tên lửa chỉ huy”.
Tên lửa chỉ huy là tên lửa 15PO11 với bộ phát sóng vô tuyến phóng xạ, thay vì một đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này sẽ được phóng từ một silo đặc biệt được bảo vệ cẩn mật, và một khi đã phóng đi, máy phát của tên lửa sẽ thay thế mọi thiết bị liên lạc trên mặt đất, gửi lệnh đến các thiết bị nhận thông tin trên mọi tên lửa đạn đạo trên mặt đất, các bệ phóng trên tàu ngầm và các máy bay ném bom.
Các lệnh đối với các hệ thống vũ khí của tên lửa sẽ là để thực hiện một cuộc tấn công trả đũa đối với các mục tiêu đã được xác định trước.
Tất nhiên tất cả những điều này sẽ diễn ra sau khi được xác định là Liên Xô đã bị tấn công phủ đầu. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát tự động được sử dụng để xác định liệu một cuộc phản công có diễn ra hay không và toàn bộ hệ thống này chỉ được kích hoạt khi lãnh đạo quyết định sử dụng nó, rất lâu trước khi một cuộc tấn công hạt nhân thật sự diễn ra.
Nhìn chung, hệ thống này sẽ được kích hoạt khi quan hệ Xô- Mỹ căng thẳng. Một khi đã được kích hoạt, hệ thống này sẽ hoạt động cho đến khi đáp ứng được các tiêu chí. Các tiêu chí này được cựu Đại tá Liên Xô Valery Yarynich mô tả năm 2009 như sau:
“Hệ thống này sẽ bắt đầu giám sát một mạng lưới các cảm biến địa chấn, bức xạ và áp lực không khí để nhận biết các vụ nổ hạt nhân. Trước khi thực hiện tấn công trả đũa, hệ thống này phải kiểm tra bốn đề xuất “nếu-thì”: nếu được khởi động, nó sẽ cố gắng xác định rằng vũ khí hạt nhân đã chạm đến lãnh thổ Xô Viết”.
Đặng Phương Thảo - VietTimes