Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019). Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.

Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá, Di chúc là văn kiện quan trọng nhất, là tài sản tinh thần vô giá trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ người Việt Nam. Di chúc thể hiện những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước, về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh, về chiến lược con người, về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, về tình đoàn kết quốc tế, v.v.. của người Anh hùng Giải phóng dân tộc, Nhà Văn hóa lớn, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Di chúc Người để lại thể hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên Chủ nghĩa xã hội. Những điều Người dặn lại trong Di chúc không những thể hiện dự báo thiên tài và niềm tin tuyệt đối của Người vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mà còn thể hiện tấm lòng, tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam ruột thịt. Người dặn và hoàn toàn tin tưởng rằng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nung nấu và kiên trì mục tiêu một nước Việt Nam thống nhất, độc lập và đi lên Chủ nghĩa xã hội: “điều mong muốn cuối cùng” của Người là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một nội dung cốt lõi của Di chúc. Tiến sĩ Chu Đức Tính nhấn mạnh không phải ngẫu nhiên, ngay đoạn mở đầu Di chúc, Người lại viết: “Trước hết nói về Đảng”, và Người dặn ngay sau chiến tranh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng và cho đến trước lúc đi xa, vấn đề xây dựng một Đảng cầm quyền xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng vẫn là điều Người trăn trở nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp và thống nhất với tư tưởng nhất quán của Người là Độc lập dân tộc và đi lên Chủ nghĩa xã hội. Bởi vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đưa dân tộc ta đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Một điều thật đặc biệt nữa, Di chúc thể hiện tình thương yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, trước hết là nhân lao động. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng.

Tiến sĩ Chu Đức Tính chỉ rõ, tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh vô bờ bến, hướng đến mọi đối tượng: thương binh, các anh hùng liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, đối với phụ nữ, thanh niên, với nông dân, v.v.. thậm chí cả những người từng là “nạn nhân của chế độ xã hội cũ”. Với mỗi giai tầng, Người đều căn dặn Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền phải làm tốt chính sách thời hậu chiến, ghi nhận công lao và tôn vinh những người có công với đất nước, quan tâm chăm sóc họ và gia đình họ, phần để hàn gắn những vết thương của chiến tranh, phần để họ tiếp tục phấn đấu.

Cùng với việc đề nghị Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm lo bảo vệ môi sinh, môi trường, miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân, những lời dặn “về việc riêng” của vị nguyên thủ quốc gia Hồ Chí Minh cũng đậm chất nhân văn, chăm lo đến mọi người, và không ngoài khát vọng “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.  Với các thế hệ đoàn viên thanh niên, Người dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Điều này khẳng định tầm nhìn của lãnh tụ Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình cách mạng. Tầm nhìn đó thể hiện từ năm 1925 (Bản án chế độ thực dân Pháp), cho đến những lời ngợi khen các thế hệ đoàn viên, thanh niên trong Di chúc (1969), đồng thời khẳng định những trăn trở của Người, chỉ dẫn của Người về việc phải chăm lo, bồi dưỡng lực lượng kế cận cách mạng, để họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vừa hồng, vừa chuyên.

Theo Tiến sĩ Chu Đức Tính, Di chúc cũng thể hiện sự trăn trở của Người về những rạn nứt, những tồn tại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, những mâu thuẫn trong phe xã hội Chủ nghĩa. Là người chiến sĩ cộng sản quốc tế nhất mực thủy chung, trong sáng, bình sinh, Người luôn chăm lo, xây dựng tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân quốc tế; luôn chăm lo xây dựng tình đoàn kết, chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình, tự do, công lý, nên trước khi từ biệt thế giới này, Người “càng đau lòng” biết bao trước thực tế đáng buồn.

Tuy nhiên, với thái độ và cách ứng xử đúng đắn, không bi quan, chán nản, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn tin tưởng rằng: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Tiến sĩ Chu Đức Tính thấy rằng, Di chúc có sức công phá, động viên, lay động tư tưởng mỗi người bởi vì linh hồn lớn của Di chúc chính là tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã xác định: "Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang" bởi đây là "một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Tiến sĩ Chu Đức Tính đánh giá giá trị vĩnh hằng của Di chúc ở chỗ Hồ Chí Minh đã dự đoán và nêu ra điều kiện để thực hiện thành công công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đó là "cần  phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân; dựa vào sức mạnh vĩ đại của toàn dân". Đây chính là giá trị cẩm nang của bản Di chúc- Tiến sĩ Chu Đức Tính khẳng định.

Tiến sĩ Chu Đức Tính đánh giá điều hôm nay Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu thực hiện đó cũng chính là điều Bác đau đáu cả một đời: chăm lo cho con người, chăm lo cho hạnh phúc của mọi người. Đây là điều mà ngay khi lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra hai mệnh đề gắn bó: độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho quốc dân. Một thời gian dài trong chiến tranh, chúng ta phải giành toàn bộ tâm lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng. Nay chúng ta đã giành được độc lập rồi, bây giới mới có điều kiện để chăm lo hạnh phúc của quốc dân. Để làm điều này, Bác nhắc chúng ta chú ý việc chăm lo cho những người có công với cách mạng, có công với Đảng, với Tổ quốc và không quên nhắc nhở cần chăm lo tới nhóm người yếu thế trong xã hội. Đây chính là điều rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc lại Di chúc của Bác Hồ, càng vững tin vào con đường mà Bác và Đảng đã chọn. Bởi, lịch sử đã chứng minh, những điều Bác tiên liệu là vô cùng chính xác. Di chúc của Bác Hồ chính là “cẩm nang thần kỳ”, vừa tổng kết lịch sử, vừa định hướng tương lai - Tiến sĩ Chu Đức Tính nhận định.

Quỳnh Hoa (TTXVN)