Buổi họp “Thông tin kết quả lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bình Định” do Sở Nội vụ tỉnh Bình Định tổ chức.

Tham dự buổi họp có các vị: Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định; Nguyễn Thị Bích Ly, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Định; phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương…
Tại buổi họp, ông Lê Minh Tuấn cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định về việc lấy ý kiến cử tri và trình thông qua HĐND các cấp đối với Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh, tất cả các Tổ lấy ý kiến cử tri tại các địa phương đã triển khai lấy ý kiến cử tri. Việc lấy ý kiến được triển khai đồng loạt tại các tổ dân cư ở tất cả thôn, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình tại các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai đề án. Nội dung lấy ý kiến có hai lựa chọn là "đồng ý" hoặc "không đồng ý"…

Kết quả, tính đến 19h30 ngày 20/4, đã có 10/11 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri, với hơn 98,68% cử tri tham gia ý kiến về đề án sắp xếp ĐVHC các cấp, đạt yêu cầu về tiến độ. Trong số này có 98,39% cử tri đồng ý với Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, 1,61% cử tri không đồng ý. Có 98,54% cử tri đồng ý với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã và 1,46% cử tri không đồng ý.
Theo ông Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp xã và cấp huyện sẽ trình HĐND cùng cấp xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, hoàn thành trước ngày 24/4. Dự kiến, chậm nhất đến ngày 30/4, UBND tỉnh Bình Định sẽ hoàn tất và gửi hồ sơ Đề án đến Bộ Nội vụ để thẩm định.

- Bảng tổng hợp kết quả ý kiến cử tri. Ảnh: VH
Cũng theo ông Lê Minh Tuấn, hiện toàn tỉnh Bình Định có 155 ĐVHC cấp xã, sau sắp xếp, số lượng sẽ giảm còn 58 đơn vị, gồm 41 xã và 17 phường. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đảm bảo chính quyền cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân.
Cụ thể, dự kiến ĐVHC toàn tỉnh Bình Định sau sắp xếp như sau:
- TP. Quy Nhơn sau sắp xếp sẽ còn 6 đơn vị hành chính, gồm các phường Quy Nhơn, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây và xã Nhơn Châu.

- Thị xã An Nhơn còn 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các phường Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Đông, An Nhơn Nam, An Nhơn Bắc và xã An Nhơn Tây.
- Thị xã Hoài Nhơn còn 7 phường là Hoài Nhơn 1, Hoài Nhơn 2, Hoài Nhơn 3, Hoài Nhơn 4, Hoài Nhơn 5, Hoài Nhơn 6, Hoài Nhơn 7.
- Huyện Phù Cát còn 7 xã là Phù Cát 1, Phù Cát 2, Phù Cát 3, Phù Cát 4, Phù Cát 5, Phù Cát 6, Phù Cát 7.
- Huyện Phù Mỹ còn 7 xã là Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 2, Phù Mỹ 3, Phù Mỹ 4, Phù Mỹ 5, Phù Mỹ 6 và Phù Mỹ 7.
- Huyện Tuy Phước còn 4 xã là Tuy Phước 1, Tuy Phước 2, Tuy Phước 3, Tuy Phước 4.
- Huyện Tây Sơn còn 5 xã là Tây Sơn, Tây Sơn 1, Tây Sơn 2, Tây Sơn 3, Tây Sơn 4.
- Huyện Hoài Ân còn 5 xã là Hoài Ân 1, Hoài Ân 2, Hoài Ân 3, Hoài Ân 4, Hoài Ân 5.
- Huyện Vân Canh còn 3 xã là Vân Canh 1, Vân Canh 2 và Canh Liên.
- Huyện Vĩnh Thạnh còn 4 xã là Vĩnh Thạnh 1, Vĩnh Thạnh 2, Vĩnh Thạnh 3, Vĩnh Thạnh 4.
- Huyện An Lão còn 4 xã là An Hòa, An Lão, An Vinh và An Toàn.
Đáng lưu ý, ông Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết: Cùng với việc tinh gọn ĐVHC, tỉnh Bình Định cũng sẽ tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Dự kiến, khoảng 5.000 người sẽ được bố trí lại. Trong số này, khoảng 1.900 người hoạt động không chuyên trách sẽ kết thúc nhiệm vụ. 100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được chuyển về cấp xã. Qua khảo sát, sẽ có khoảng 900 người có nguyện vọng xin nghỉ sau khi tiến hành sắp xếp…

Cũng tại buổi họp “Thông tin kết quả lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã tỉnh Bình Định”, phóng viên một số cơ quan truyền thông, báo chí đã đặt khá nhiều câu hỏi chất vấn đối với Sở Nội vụ. Tiêu biểu trong số này là hiện tượng một số địa phương không triển khai thực hiện việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri? Vậy, số liệu kết quả tỷ lệ cử tri “đồng ý”, “không đồng ý” dựa trên cơ sơ sở nào? Bên cạnh đó là việc đặt tên xã, phường mới gắn số thứ tự 1,2,3,4,5,6,7.. ?
Những ngày gần đây, khá nhiều tỉnh, thành đã lắng nghe ý kiến cử tri và có chỉnh sửa đặt tên xã, phường mới, không gắn số thứ tự mà đặt tên theo yếu tố lịch sử, truyền thống, địa danh, văn hóa của vùng đất đó. Vậy, Bình Định có chỉnh sửa, bỏ tên gọi gắn số thứ tự không?...
Xung quanh câu hỏi của các nhà báo, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã thẳng thắn trả lời, giải đáp. Theo đó, về việc đặt tên xã, phường mới gắn số thứ tự 1,2,3,4,5,6,7.., ông Lê Minh Tuấn cho biết: Tên gọi của cấp xã, phường mới không phải do cấp tỉnh đặt mà giao cho các địa phương, Ban Thường vụ Thành uỷ, Huyện uỷ họp bàn và đề xuất. Tất cả đều đã được thăm dò ý kiến. Việc này đã tán thành nên không chỉnh sửa, chỉ trừ khi HĐND của các địa phương kiến nghị đổi tên, thì mới có quyết định khác…
Viết Hiền