THCL Mới đây, tại Trung tâm thương mại chợ gốm Làng cổ Bát Tràng, Quỹ Văn hóa Hà Nội (Sở VH-TT Hà Nội) đã tổ chức, buổi tọa đàm “Giải pháp tiếp thị số sản phẩm gốm sứ Bát Tràng” nhằm đưa ra các giải pháp mang tính chất căn cốt nhằm xúc tiến, quảng bá thành công sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ở trong nước và quốc tế.
Tại đây, giải pháp: Thả ý nghĩa biểu tượng vào sản phẩm gốm sứ làm tăng giá trị, đậm bản sắc đặc biệt được nhấn mạnh.
Chương trình là sự phối hợp hài hòa của 2 hoạt động tạo đàm trao đổi kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá sản phẩm gốm mỹ nghệ và giới thiệu các sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của nghệ nhân Bát Tràng và các nghệ nhân, nhà sáng tạo gốm sứ khác trên địa bàn Hà Nội.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Tại tọa đàm, hơn 60 nghệ nhân thuộc nhiều thế hệ của làng nghề gốm Bát Tràng đã lắng nghe sự chia sẻ thực tế từ các nhà nghiên cứu, sưu tầm gốm sứ Bát Tràng nói riêng và Việt Nam nói chung; các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông văn hóa; quản lý của dự án phục chế và xúc tiến thương mại các dòng gốm sứ có lịch sử lâu đời...
Các khách mời tọa đàm cùng các chuyên gia đã phân tích cặn kẽ những thuận lợi và khó khăn của làng nghề gốm Bát Tràng trong thời kỳ công nghệ số hóa toàn cầu như hiện nay. Qua đó, tìm kiếm giải pháp phát triển làng nghề dựa trên hai phương thức, đó là: sử dụng bản sắc văn hóa làng nghề như một kho tư liệu quý khơi nguồn các sáng tác gốm sứ; làm gia tăng giá trị của sản phẩm đồng thời ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông vào phục vụ hoạt động lưu thông, xúc tiến, quảng bá sản phẩm ở trong nước và đặc biệt là ra thế giới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm
Ngoài ra, tọa đàm cũng khẳng định thiết kế mẫu mã là một trong những khâu quan trọng, có tính chất quyết định tới giá trị của sản phẩm gốm sứ trên thị trường. Chương trình sẽ góp phần mang lại cho các học viên ngành thiết kế gốm đồng thời cũng là thế hệ các nghệ nhân trẻ của làng gốm Bát Tràng những giải pháp mang tính chất căn cốt nhất nhằm xúc tiến, quảng bá thành công sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ở trong nước và quốc tế.
Thả ý nghĩa biểu tượng vào sản phẩm
Tọa đàm đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp: Thả ý nghĩa biểu tượng vào sản phẩm gốm sứ làm tăng giá trị, đậm bản sắc. Họa sỹ, nhà sưu tầm gốm cổ Bùi Hoài Mai chia sẻ: “Chúng ta cứ so sánh gốm sứ Trung Quốc nhiều, tràn lan thị trường nhưng những sản phẩm đó nhanh, nhiều, chỉ là hàng nhái và không có bản sắc gì cả.
Những sản phẩm gốm sứ đó chỉ có thể phát triển cho một giai đoạn nào đó, vì người tiêu dùng phải trả tiền 2/3 giá trị là giá trị sản phẩm là của chính nó. Vì thế, nên chúng ta phải tạo nên những giá trị, bản sắc văn hóa riêng bằng nhiều cách mà chúng ta đã từng xây dựng, thổi hồn vào bề dày lịch sử gốm sứ Bát Tràng truyền thống gần một nghìn năm nay"...
Ông cũng nhấn mạnh phải xây dựng lại nền văn hóa Bát Tràng, tinh thần đoàn kết làng nghề và cạnh tranh lành mạnh.
Song song với nội dung tọa đàm là các hoạt động minh họa, giới thiệu sản phẩm gốm sứ của các nghệ nhân làng nghề và các nhà sáng tác gốm khác tại Hà Nội. Điều đặc biệt ở các sản phẩm gốm sứ được đem đến giới thiệu tại chương trình không chỉ toát lên từ vẻ đẹp tinh tế bên ngoài mà quan trọng hơn cả là từ những câu chuyện văn hóa - lịch sử đến những câu chuyện đời thường, bình dị.
Triệu Hiền